Liên tục trong ba ngày qua, hàng ngàn xe container chở hàng hóa nằm kẹt cứng trên suốt tuyến ra vào cảng Cát Lái (TP.HCM). Tình trạng trên đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp.
Tình trạng kẹt xe hàng km.
Hiện tượng ách tắc xuất hiện ngay từ khu vực ngã ba Cát Lái, kéo dài dọc tuyến tỉnh lộ 25B đến các cổng ra vào cảng. Tình trạng này dẫn đến kẹt liên hoàn, các xe không thể ra vào cảng để lấy hàng. Nhiều xe phải đứng yên trong hàng giờ liền, không thể nhúc nhích được, thậm chí tài xế còn tranh thủ ngủ trên xe. Đến cuối giờ chiều 24-7, tình hình hầu như vẫn chưa có chuyển biến.
Mất một ngày thay vì một giờ
Đại diện một doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ vận tải cho biết đơn vị này nhận vận chuyển hơn 100 container hàng ra khỏi cảng. Với 10 xe kéo container hoạt động thường xuyên nhưng trong ba ngày nay đội xe này chỉ đưa được 15-20 container từ cảng Cát Lái về TP Biên Hòa (Đồng Nai).
“Tình hình rất căng đối với hàng nhập khẩu. Mỗi ngày nếu may mắn thì một xe chỉ đưa được hai container hàng ra khỏi cảng, chậm hơn rất nhiều so với giao kết với chủ tàu. Trong khi nếu tờ lệnh nhận hàng hết hạn, mỗi container (tùy loại 20 feet hoặc 40 feet) phải nộp thêm phí 6-12 USD/ngày. Số phí này nếu không được chủ hàng chia sẻ thì doanh nghiệp giao nhận đành phải móc túi để trả” - ông này than thở.
Hàng tăng nhưng hạ tầng không cải thiện
Một doanh nghiệp làm dịch vụ môi giới tàu biển cho biết chủ trương chuyển dần hàng từ cảng Sài Gòn về cảng Cát Lái đã khiến nhu cầu trung chuyển hàng hóa của cảng Cát Lái tăng lên, trong khi cơ sở hạ tầng không được cải thiện, thậm chí còn đi xuống (do nhiều đoạn thi công dở dang), nên việc xảy ra kẹt xe là đương nhiên.
|
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ vận tải Hợp Thành Công (TP.HCM), cho biết đêm 23-7 công ty đã điều chín xe vào cảng nhưng đến 10g ngày 24-7 mới chỉ có một container hàng được đưa về kho tại khu vực Bến Cát (Bình Dương). Do lô hàng là hàng điện tử nguyên chiếc của Toshiba nên việc chậm giao hàng ảnh hưởng đến tiến độ kiểm định, phân phối của hãng này. Đối với các doanh nghiệp vận tải, ngoài thiệt hại do phải trả thêm phí phát sinh lưu hàng với chủ tàu còn bị ảnh hưởng đến doanh thu khai thác các xe chuyên chở. Thông thường đoạn đường 55km từ cảng về đến kho hàng tại Bến Cát chỉ đi hết 1 giờ 30 phút, nay phải mất khoảng một ngày xe mới chở được hàng từ cảng về.
Đa số hãng vận tải đều khẳng định năng lực bốc dỡ của cảng không có vấn đề gì. Ông Ngô Minh Thuấn, phó tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn - đơn vị quản lý cảng Cát Lái, cho biết đường tắc nên lượng xe ra vào cảng bị hạn chế rất nhiều, trong khi hiện nay cảng đang dư công suất. Theo ông Thuấn, trong sáu tháng đầu năm khi sản lượng hàng hóa của các cảng trong khu vực giảm 8-12% thì tổng sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái tăng 8,38%.
Theo các tài xế xe tải, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do tuyến tỉnh lộ 25B từ xa lộ Hà Nội vào cảng quá nhỏ, chỉ vừa đủ cho hai làn xe chạy ngược chiều. Vì vậy, chỉ cần một xe gặp trục trặc, chết máy sẽ gây ách tắc toàn bộ tuyến đường. Chuyên viên của một hãng tàu biển cho rằng công trình đại lộ đông - tây đang tiến hành cũng là một trong những nguyên nhân khiến các xe kéo container ra vào cảng gặp khó khăn. Ngoài ra, một số xe chở đất chạy trên khu vực này góp phần cản trở lối đi của các xe container.
|
Một lái xe gục đầu chợp mắt trên vôlăng chờ được thông xe - Ảnh: T.T.D. |
Ba giải pháp tạm thời
Theo ông Thuấn, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái chiếm gần 85% tổng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ở phía Nam nên việc ách tắc tại cảng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp, vì vậy việc giải phóng nhanh và hiệu quả hàng hóa ở cảng là ưu tiên hàng đầu. Việc kẹt xe trên liên tỉnh lộ 25B là vấn đề cơ bản gây ra ách tắc dù đã có nhiều cuộc họp giải quyết vấn nạn này.
Hiện cảng Cát Lái đã thuê lực lượng thanh niên xung phong, cảnh sát giao thông, bảo vệ - kiểm soát cảng... tham gia điều tiết giao thông và khắc phục sự cố trên đoạn đường này. Tuy nhiên, ông Thuấn dự báo đầu tháng 8-2009 tình hình kẹt xe sẽ còn gia tăng khi cầu Phú Mỹ thông xe, liên tỉnh lộ 25B khởi công.
Đối phó với tình hình này, cảng đã đưa ra ba phương án tạm thời để giải quyết tình trạng ách tắc: thuê hoặc mua xe cứu hộ ứng cứu ngay các trường hợp xe tải bị trục trặc trên đường, giải phóng nhanh nhất con đường để lưu thông hàng hóa. Phối hợp với đơn vị thi công liên tỉnh lộ 25B tập trung làm lấn hai bên đường, mở đường tránh để dòng xe luôn lưu thông. Đề nghị UBND TP.HCM sau ngày thông xe cầu Phú Mỹ không cho các xe rẽ trái lưu thông vào tỉnh lộ 25B nhằm hạn chế tối đa ách tắc.
Làm đường để cứu cảng
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng quốc tế SP-PSA đã hoạt động vào cuối tháng 5-2009 nhưng do công trình làm đường vào các cảng biển ở khu vực Cái Mép - Thị Vải quá chậm trễ (hiện vẫn chưa hoàn thành), Công ty cảng quốc tế SP-PSA đã bỏ ra 700.000 USD để làm đường tạm dài 1,2km và rộng 40m cho xe ra vào bốc dỡ hàng hóa. Đây là cảng biển nước sâu có diện tích 54ha với tổng vốn đầu tư 240 triệu USD.
Trong giai đoạn 1, cảng đã hoàn thành xây dựng hai bến cảng dài 600m cho các tàu có trọng tải 50.000-80.000 tấn cập cảng và có công suất xếp dỡ 1,1 triệu TEU (container)/năm, khi hoàn thành giai đoạn 2 sẽ nâng công xuất xếp dỡ lên 2,2 triệu TEU/năm.
|