Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Bức tranh ngân sách
Ngày: 7/30/2009 1:17:28 PM
Con số hơn 17.300 tỉ đồng mà KTNN đề nghị xử lý trong báo cáo kiểm toán năm 2008 về niên độ ngân sách năm 2007 cho thấy kỷ luật ngân sách của VN còn nhiều điều đáng nói.

Ảnh minh họa.

Điểm qua một vài con số
 
Theo kết quả kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2007 được công bố vào cuối tuần qua, tổng thu cân đối ngân sách là 431.057 tỉ đồng, chi cân đối ngân sách là 469.606 tỉ đồng, vượt 31,4% so với dự toán. Như vậy, mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2007 là 64.567 tỉ đồng, bằng 5,64% so với GDP.
 
Cũng theo kết quả nói trên, dư nợ Chính phủ tính đến ngày 31-12-2007 là 429.567 tỉ đồng, bằng 37,6% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia là 372.950 tỉ đồng, bằng 32,6% GDP. Cả hai khoản này được Kiểm toán Nhà nước đánh giá là nằm trong phạm vi đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
 
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và đề nghị nhiều khoản tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước. Tổng giá trị các khoản này lên đến 17.315 tỉ đồng (đã làm tròn số), gần bằng 27% số bội chi ngân sách. Đi sâu vào con số này, theo báo cáo, tổng số tiền được Kiểm toán Nhà nước đề nghị tăng thu trong năm 2007 lên đến 4.166 tỉ đồng (trong khi năm 2006 là 2.764 tỉ).
 
Trong đó, khoản tăng thu thuế xuất nhập khẩu là nhiều nhất, với hơn 1.415 tỉ. Hai nguồn thu cũng bị thất thoát nhiều là thu thuế nội địa 1.203 tỉ (chủ yếu là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và thuế nhà, đất), và nguồn thu tiền sử dụng đất hơn 1.000 tỉ đồng.
 
Về chi ngân sách, Kiểm toán Nhà nước phát hiện các khoản chi sai chế độ, quyết toán không đủ thủ tục, không đúng nguồn kinh phí… và kiến nghị giảm chi lên đến hơn 2.730 tỉ đồng. Con số này cũng tăng hơn gấp đôi so với kết quả kiểm toán của năm trước đó (năm 2006 các khoản chi không đúng là 1.200 tỉ) và chia đều cho hai lĩnh vực chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng.
 
Một số liệu khác cũng cho thấy việc quản lý ngân sách còn khá lỏng lẻo khi các khoản phải nộp và hoàn trả ngân sách bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện lên đến 7.715 tỉ đồng. Đây là các khoản cho vay, tạm ứng ngân sách sai quy định, các khoản tạm thu, tạm giữ để nộp vào ngân sách đã quá hạn và các khoản ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước.
 
Bên cạnh đó, các khoản nộp và giảm chi khác không thuộc ngân sách nhà nước mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện và đề nghị xử lý cũng đã hơn 2.080 tỉ đồng.
 
Những bất cập trong thu-chi ngân sách
 
Hàng loạt những yếu kém, bất cập trong việc quản lý và sử dụng ngân sách đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra và kiến nghị Chính phủ xử lý. Ở đây chỉ xin nêu một số trường hợp để tham khảo.Về thu ngân sách, theo Kiểm toán Nhà nước, thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2007 chỉ đạt 93% dự toán, tình trạng thất thu ngân sách ở các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn nhiều.
 
Kiểm toán hồ sơ thuế của 469 doanh nghiệp tại cơ quan thuế ở 35 tỉnh được kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 452,3 tỉ đồng.
 
Một trong những bất cập về chi ngân sách được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong báo cáo nói trên là việc sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đã dây dưa từ nhiều năm trước vẫn chậm được xử lý. 24/35 tỉnh được kiểm toán đã dùng tiền ngân sách để tạm ứng, cho vay đến 31-12-2007 và chưa thu hồi là 2.168 tỉ đồng. Mặt khác, hầu hết các địa phương có nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương đều còn kết dư, trong khi ngân sách trung ương phải đi vay để bù đắp bội chi.
 
Số liệu kiểm toán cho biết để bù đắp cho số bội chi 64.567 tỉ đồng của năm 2007, Chính phủ phải vay trong nước là 51.572 tỉ đồng, vay nước ngoài là 12.995 tỉ đồng.
 
Theo website “Trang tin điện tử” của Chính phủ, trong báo cáo “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2007, khoảng 76,1% bội chi ngân sách được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và 23,9% từ nguồn vay nước ngoài. Năm 2007, kế hoạch rút vốn vay nước ngoài để bù đắp bội chi được Thủ tướng phê duyệt là 18.700 tỉ đồng, nhưng số thực rút là 18.893 tỉ, như vậy số vốn vay nước ngoài về chưa sử dụng đến hết năm 2007 là 5.896 tỉ đồng, bằng 31,2% tổng số vốn rút trong năm.
 
Một ghi nhận khác là tỷ lệ chi chuyển nguồn trên tổng chi ngân sách nhà nước còn lớn và có xu hướng tăng (năm 2005 là 16%, 2006 là 20%, và năm 2007 là 88.821 tỉ đồng, bằng 23,3%). Nguyên nhân tăng chi chuyển nguồn lớn là do chi chuyển nguồn để cải cách tiền lương, chuyển nguồn từ các khoản tăng thu và thực hiện cơ chế tự chủ, còn lại là các nhiệm vụ trong dự toán chưa thực hiện.
 
Tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.Kết quả kiểm toán niên độ ngân sách 2007 còn cho thấy việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi chưa thực sự hiệu quả.
 
Tính đến 31-12-2007, vốn trái phiếu còn tồn dư là 5.170 tỉ, chiếm 25,4% tổng số vốn huy động trong năm, bao gồm dư trên tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước là 3.140 tỉ, vốn chuyển cho kho bạc nhà nước các địa phương nhưng chưa giải ngân là 2.030 tỉ. Đó là chưa kể số vốn trái phiếu còn dư tại các địa phương vào thời điểm kiểm toán mà Bộ Tài chính chưa thống kê được.
 
Chi đầu tư phát triển là khoản chi lớn thứ hai (104.302 tỉ đồng), chiếm 27,4% tổng chi theo dự toán, sau chi thường xuyên, và cũng là lĩnh vực có nhiều sai sót. Từ khâu quy hoạch đến lập, thẩm định và phê duyệt dự án đều có vấn đề, gây lãng phí ngân sách.
 
Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún chậm được khắc phục, dẫn đến nhu cầu vốn vượt quá khả năng ngân sách, nhiều dự án phải kéo dài thời gian đầu tư. Một ví dụ điển hình cho tình trạng này là Hải Phòng.
 
Được biết tổng nhu cầu vốn cho các dự án đã phê duyệt đến 31-12-2007 của thành phố Hải Phòng là 12.871 tỉ đồng, trong khi nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hàng năm chỉ khoảng 1.401 tỉ. Như vậy nếu thành phố này dừng đầu tư xây dựng các công trình mới thì phải sau chín năm nữa mới đầu tư xong các công trình đã phê duyệt.
(Nguồn:TBKTSG)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.