Dịch chuyển phương thức kinh doanh theo xu hướng tiêu dùng
Ngày: 8/1/2009 10:42:17 AM
Thông tin từ thị trường Việt Nam ở nước ngoài cho biết, mùa này nhiều thị trường đang hút hàng trái cây nhiệt đới và áo jacket.
Dịch chuyển phương thức kinh doanh theo xu hướng tiêu dùng.
Một nhận xét nữa cũng rất đáng lưu ý là sự dịch chuyển xu hướng tiêu dùng sang các sản phẩm hạng trung thay vì giá thấp như nửa cuối 2008, đầu 2009.
Không quá khó hiểu tại sao trong thời kỳ suy giảm kinh tế, nhu cầu tiêu thụ trái cây - giống như son môi cho phụ nữ - lại tăng mạnh. Ngoài ra, ý thức bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người tiêu dùng cũng là một "động lực” tiêu thụ quan trọng khác.
Làm sao để tươi ngon lâu và được giá
Trong số những thị trường nhập khẩu, Mỹ được dự báo là quốc gia có nhu cầu nhập khẩu trái cây lớn nhất, tiếp theo là EU, hai thị trường này chiếm 70% nhu cầu nhập khẩu trái cây nhiệt đới của thế giới. Đứng thứ 3 là Nhật Bản.
Các chuyên gia Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, đây là cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long - nơi đã có một số loại trái cây nhiệt đới được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn Global GAP...
Điều đáng nói là ở Bắc bộ, mặc dù có nhiều loại trái cây đặc sản “danh bất hư truyền” như mận tam hoa Bắc Hà, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn, vải Thanh Hà..., nhưng hầu như chưa có loại nào được cấp giấy chứng nhận trên.
24% là dự báo về mức tăng tiêu thụ trái cây nhiệt đới trong thập kỷ tới
Từ góc độ khoa học, ông Nguyễn Đăng Vang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét, nếu coi việc tìm tòi các giải pháp bảo quản, chế biến là khâu “ngọn” thì đi từ “gốc” phải là nghiên cứu giống cây trồng để đa dạng hóa sản phẩm và điều chỉnh, kéo dài mùa vụ.
Chất lượng hoa quả không đồng đều cũng là một khó khăn cực lớn cho cả xuất khẩu tươi lẫn chế biến với quy mô công nghiệp. Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi; vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2009) mở ra khung pháp lý khá an toàn, đảm bảo cho những nghiên cứu sâu sắc, thiết thực trong lĩnh vực này được đền đáp xứng đáng, không lo bị “phỗng tay trên”.
Tuy nhiên, để khuyến khích được các nhà khoa học “cổ cồn trắng” (trong phòng thí nghiệm) và “cổ nâu” (những lão nông tri điền) bỏ nhiều công sức, thời gian với giống cây trồng, chắc chắn không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp, vị chuyên gia về giống cây trồng nhận xét.
Có hàng tốt, nhiều chưa đủ. Để bán được hàng với giá cao còn phải tiếp thị tốt và cạnh tranh tốt. Các doanh nghiệp không chỉ cần nắm vững mùa vụ, sản lượng trong nước mà còn cần tìm hiểu thông tin tương tự từ các đối thủ cạnh tranh.
Đơn cử, với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp được khuyên nên “né lũ” từ Indonesia đối với các loại trái cây như: xoài, dưa hấu… Cách làm khôn ngoan hơn trong khi chưa thể cạnh tranh trực diện ở các loại trái cây đã là thế mạnh của Indonesia là khai thác loại trái cây khác và nỗ lực điều chỉnh mùa vụ thu hoạch của ta.
Nghe gió mà may hàng
Một thống kê từ Mỹ cho thấy, số lượng đơn hàng, đặc biệt là hàng jacket phục vụ nhu cầu tiêu thụ cho mùa thu đông sắp tới tại thị trường Mỹ và châu Âu đang có xu hướng tăng cao so với quí 1/2009.
Ghi nhận thực tế này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Quốc Ân từng ví von, việc chuẩn bị hàng hóa trong ngành hàng này “phải đi trước một hoặc hai mùa”, nếu không sẽ rơi vào cảnh “nàng Bân đan áo cho chồng”.
Lưu ý nhỏ nhưng quan trọng đối với các doanh nghiệp: sức mua của người dân nhiều thị trường quan trọng đã có sự hồi phục và thay đổi theo hướng dịch chuyển sang các sản phẩm hạng trung.
Trong giai đoạn khủng hoảng sâu cuối năm 2008 đầu năm 2009, tỷ lệ tiêu dùng các mặt hàng giá thấp luôn ở mức cao, nhưng xu thế này đã thay đổi trong tháng qua. Đơn cử, theo các nghiên cứu thị trường hồi cuối tháng 6, tỷ lệ nhập khẩu các mặt hàng giày dép có giá dưới 10 USD/đôi tại Anh hiện chiếm dưới 50%, trong khi những tháng trước đó luôn dao động ở mức 60% tổng lượng nhập khẩu các loại.
Yếu tố khác rất đáng quan tâm là phương diện chính sách. Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á đang tiếp tục đàm phán với EU về Hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN và EU (FTA ASEAN-EU).
Theo đánh giá, Hiệp định trên sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho Việt Nam do gần 60% hàng hóa xuất khẩu của nước ta vào EU hiện đang phải chịu thuế nhiều hơn các nước trong khu vực.
Thậm chí, có chuyên gia dự kiến, Hiệp định sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư vào các ngành định hướng xuất khẩu và đóng góp từ 2% - 15% vào tăng trưởng GDP của nước ta.
Ông này cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hoạch định trước các chiến lược sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nhằm chủ động tận dụng cơ hội lớn - như trường hợp các ngành hàng dệt may, da giày (dù được coi là sẽ có sự dịch chuyển lớn về cơ cấu sản xuất, lao động giữa các ngành này) - cũng như giảm thiểu khó khăn có thể phát sinh từ hiệp định này đối với hàng nông, thủy sản...
(Nguồn:Diễn đàn Doanh nghiệp)