Phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến 2020
Ngày: 8/28/2009 4:54:32 PM
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định 1327/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ (GTVTĐB) Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Cầu Chương Dương- Hà Nội (Ảnh minh hoạ)
Theo Quy hoạch đã được phê duyệt, phấn đấu đến năm 2020, đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hoá và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, tiện lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường; phát huy lợi thế của vận tải đường bộ có tính cơ động cao, hiệu quả trong phạm vi hoạt động đường ngắn, gom hàng, tạo chân hàng cho các phương thức vận tải khác. Một số mục tiêu cụ thể được đề ra như: khối lượng khách vận chuyển 5,5 tỷ hành khách với 165,5 tỷ hành khách luân chuyển; khối lượng hàng hóa vận chuyển là 760 triệu tấn với 35 tỷ tấn hàng hóa luân chuyển; có khoảng 2,8 - 3 triệu phương tiện xe ô tô các loại.
Đồng thời đến năm 2020, sẽ xây dựng 24 tuyến, đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 2.381km; hoàn thành xây dựng các cầu lớn, thay thế 100% cầu yếu trên quốc lộ; 100% đường tỉnh được rải mặt nhựa hoặc bêtông xi măng; xoá cầu khỉ 100%.
Đối với Thành phố Hà Nội, đến năm 2020 sẽ hoàn thành cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm hiện tại với quy mô 4- 6 làn xe; tỷ lệ đảm nhận vận chuyển khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 đạt 25%...
Còn đối với Hồ Chí Minh, cũng sẽ cải tạo nâng cấp các quốc lộ hướng tâm; riêng quốc lộ 50, đoạn vành đai 2 trở vào được cải tạo nâng cấp thành đường đô thị, xây dựng mới tuyến song hành quốc lộ 50 cũ; xây dựng cầu Đồng Nai mới; tỷ lệ vận chuyển công cộng bằng xe buýt đáp ứng được 15% nhu cầu...
Về vấn đề an toàn giao thông, mục tiêu được đặt ra là phấn đấu hàng năm giảm 5 – 7% số người chết do tai nạn giao thông.
Cũng theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ thoả mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng, êm thuận, an toàn; kết nối được với các phương thức vận tải khác, nhất là các điểm chuyển tải hành khách đường dài với vận tải hành khách đô thị. Bên cạnh đó là hoàn thiện và cơ bản hiện đại hoá mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tiếp tục xây dựng các đoạn tuyến, tuyến đường bộ cao tốc, đường đô thị, đường vành đai..../.
(Nguồn:DCS)