Cũng như nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác, ngành gỗ Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hơn là thị trường nội địa.
Cũng như nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác, ngành gỗ Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hơn là thị trường nội địa.
Tuy nhiên, tình hình khó khăn do kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm vì suy thoái kinh tế cũng là một áp lực để ngành chủ động tìm kiếm cơ hội.
Theo báo cáo xuất khẩu 8 tháng đầu năm của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong 8 tháng qua đạt 1,55 tỉ đô la Mỹ, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hy vọng 4 tháng còn lại, xuất khẩu gỗ sẽ mang về 1,14 tỉ đô la Mỹ, như vậy cả năm nay sẽ đạt 2,69 tỉ đô la Mỹ, chỉ sụt giảm khoảng 5% so với năm ngoái.
Từ giữa năm nay, xuất khẩu gỗ trong nước đã hồi phục dần và trong 3 tháng gần đây đều tăng liên tiếp, tháng sau cao hơn tháng trước. Theo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), những tháng còn lại của năm nay nhập khẩu đồ nội thất của các thị trường lớn sẽ tăng trở lại, dù không bằng như năm ngoái.
Cho tới nay, dù nền kinh tế Mỹ còn khó khăn nhưng đây vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu về gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay đạt 566 triệu đô la Mỹ, tăng 0,7% so với 7 tháng của 2008. Theo Phó chủ tịch Hawa, trong tình hình hiện nay, xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường lớn như Mỹ bằng mức các năm trước cũng là điều đáng mừng.
Trong 3 tháng trở lại đây xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đã tăng dần dần trở lại sau khi sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm, do kinh tế Mỹ được đánh giá là đã thoát khỏi tình trạng suy thoái và đang trên con đường phục hồi, thị trường nhà đất Mỹ cũng có những tín hiệu khả quan.
Thị trường nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam lớn thứ hai là EU có mức sụt giảm lớn nhất 7 tháng đầu năm (giảm 34% so cùng kỳ), đạt 283 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, thị trường này đang có tín hiệu hồi phục, cụ thể Anh - được xem là thị trường lớn nhất trong khối EU thì xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam trong hai tháng qua tăng trở lại.
Chủ tịch Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cho biết các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thế mạnh về xuất đồ gỗ ngoài trời vào EU. Mùa xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời bắt đầu từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau, nghĩa là những tháng cuối năm, kim ngạch xuất đồ gỗ vào EU có thể tăng trở lại ở nhóm hàng này.
Nhật Bản, thị trường lớn thứ 3 của ngành gỗ Việt Nam, được đánh giá có mức tăng trưởng bền vững từ đầu năm tới nay. Ngoài 3 thị trường lớn kể trên (chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam), các thị trường nhỏ, thị trường mới còn lại vẫn có những tăng trưởng đáng kể như Hồng Kông tăng 17%, Mexico tăng 121%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 2%...
Cho tới nay, với người tiêu dùng thế giới thì hàng gỗ Việt Nam vẫn đi vào phân khúc thị trường giá trung bình và đây là lợi thế của Việt Nam là phù hợp túi tiền của người tiêu dùng thế giới vốn đang dè sẻn trong chi tiêu do khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế, các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam đang nghĩ cách sản xuất sao cho sản phẩm sử dụng lâu hơn nhưng giá, chất lượng vẫn giữ nguyên.
Kế tiếp là việc đưa ra các sản phẩm khác biệt như làm hàng đồ gỗ kết hợp với kim loại để phong phú mẫu mã, kết hợp mây tre lá vốn là thế mạnh của thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Những sản phẩm loại này, vừa độc đáo, vừa có tính cạnh tranh cao và dễ đi vào thị trường “ngách”.
Bộ Công Thương, trong dự báo về xuất khẩu gỗ 4 tháng cuối năm, cho rằng việc thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường đồ gỗ thế giới từ đồ nội thất cao cấp sang hạng trung bình là cơ hội đối với ngành gỗ Việt Nam, vốn có lợi thế trong phân khúc thị phần này.