Dự thảo Luật thuế tài nguyên: Khung thuế suất quá rộng?
Ngày: 9/10/2009 9:10:01 AM
Sáng 9/9, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật thuế tài nguyên, dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu tới và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010.
Dự thảo Luật thuế tài nguyên: Khung thuế suất quá rộng?
Một trong những lý do cần thiết phải ban hành luật này, theo Chính phủ là nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách thuế tài nguyên hiện hành.
Song, theo cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, nội dung của dự luật chưa thực sự đảm bảo tính cụ thể. Các loại tài nguyên đều nằm trong khung thuế suất có biên độ khá rộng, không đảm bảo tính chặt chẽ trong việc áp thuế suất. Hầu hết các ý kiến thảo luận đều đồng tình với nhận định này.
Đối tượng còn chung chung
Gồm 4 chương, 12 điều, phạm vi điều chỉnh của Luật thuế tài nguyên quy định về đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế, kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên.
Đối tượng chịu thuế bao gồm: khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; dầu thô; khí thiên nhiên, khí than; sản phẩm của rừng tự nhiên, gồm các loại động vật, thực vật và các loại sản phẩm khác của rừng tự nhiên.
Thủy sản tự nhiên, gồm các loại động vật, thực vật ở biển, sông ngòi, hồ, đầm phá, kênh rạch tự nhiên; nước thiên nhiên, gồm nước mặt và nước dưới đất; cũng thuộc đối tượng chịu thuế.
Nhóm tài nguyên thứ 8 thuộc đối tượng chịu thuế được quy định tại dự luật là “các loại tài nguyên thiên nhiên khác”.
Cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ quy định này để đảm bảo tính minh bạch của pháp luật, tránh sự vận dụng tùy tiện, tạo ổn định cho môi trường đầu tư.
Trong trường hợp luật không quy định thì không ai có thẩm quyền quyết định đưa tài nguyên chưa được quy định trong luật vào đối tượng chịu thuế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.
Còn theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, cần xem lại quy định đối tượng chịu thuế đối với thủy sản tự nhiên. Nếu để như vậy, người đánh bắt thủy sản trên sông, hồ, đầm phá… đều phải chịu thuế thì không khả thi, ông Hiền góp ý.
Không chỉ tăng thu cho ngân sách
Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên tại dự luật được giữ nguyên như quy định tại Pháp lệnh thuế tài nguyên hiện hành.
Theo đó, ở mức cao nhất là gỗ các loại (trừ gỗ cành, ngọn) từ 10 - 40%; khoáng sản kim loại (trừ vàng và đất hiếm) từ 5 - 30%, thuế suất từ 6 – 30% được đề xuất cho vàng và dầu mỏ; đá quý có mức từ 10 – 30%...
Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất, đồng thời phân loại từng mặt hàng trong cùng 1 nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt. Việc làm này, theo Ủy ban là để đảm bảo không mở quá rộng khung thuế suất nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu điều tiết việc khai thác tài nguyên trong từng thời kỳ.
Khung thuế suất, quá rộng, nên chia nhỏ để tránh gây khó khăn phiền toái trong quá trình áp dụng cũng là ý kiến của một số vị ủy viên Thường vụ Quốc hội khi thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh “thanh minh” rằng rất muốn quy định chi tiết, nhưng sẽ hạn chế sự linh hoạt trong điều hành. Vì thị trường biến động liên tục, giá cả lên xuống thất thường.
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển giữ quan điểm có thể cụ thể hóa 8 nhóm tài nguyên thành nhiều dòng và thu hẹp biên độ lại, Quốc hội sẽ quyết định khung, và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định thuế suất cụ thể của từng loại tài nguyên.
Về thuế suất sàn, trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách có một số ý kiến đề nghị tăng đối với nhóm khoáng sản kim loại, than, gỗ…Tuy nhiên, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị cho rằng cần cân nhắc kỹ mức thuế để vừa thu được ngân sách nhưng vừa có thể phát triển rừng. Vì ngoài thuế tài nguyên thì còn rất nhiều các quy định khác liên quan đến khai thác gỗ.
"Cần quan tâm hài hòa cả lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, chứ nêu chỉ tăng thu cho ngân sách thì chưa đủ" là lưu ý của chủ nhiệm Hà Văn Hiền. Bởi, không phải tài nguyên nào cũng cần hạn chế mà có những loại rất cần khuyến khích khai thác.
(Nguồn:VnEconomy)