Nhận định này được ông Greenspan đưa ra trong một cuộc phỏng vấn mới đây do hãng tin BBC của Anh thực hiện nhân dịp một năm tròn ngày đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ - sự kiện châm ngòi cho sự leo thang và lan rộng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trên toàn cầu.
“Khủng hoảng sẽ lại xảy ra, nhưng sẽ khác”, ông Greenspan phát biểu. Tuy nhiên, ông không đưa ra dự báo khi nào cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ nổ ra.
Ông Greenspan cho biết, trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay xảy ra, ông đã dự báo được điều đó sẽ đến như là sự phản ứng đối với một thời kỳ thịnh vượng kéo dài. Ông khẳng định, mặc dù sẽ mất nhiều thời gian và phải vượt qua nhiều trở ngại, nền kinh tế toàn cầu rốt cục rồi sẽ “thoát khỏi cuộc khủng hoảng này”.
“Các cuộc khủng hoảng tài chính là khác nhau, nhưng có cùng một ngọn nguồn cơ bản”, vị cựu Chủ tịch FED nói. “Đó là do con người khi đứng trước những giai đoạn kéo dài của sự thịnh vượng cứ tin rằng sự thịnh vượng đó sẽ tiếp diễn”. Ông Greenspan cũng cho rằng, hành vi đó của con người là hoàn toàn thuộc về lẽ tự nhiên.
Ông cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay là kết quả của hoạt động cho vay dưới chuẩn ở Mỹ, với những khoản vay được cấp cho các khách hàng với lịch sử tín dụng xấu. Cùng với đó, bất kỳ một nhân tố nào khác xuất hiện cũng trở thành chất xúc tác cho quá trình leo thang của khủng hoảng.
Ông Greenspan khẳng định, nếu khủng hoảng không xảy ra vì rắc rối phát sinh từ những khoản nợ độc hại trên, thì “sớm muộn gì những rắc rối khác cũng sẽ nổi lên”.
Vị cựu Chủ tịch FED từng được ngợi ca là một người có thể làm dịch chuyển thị trường khi còn đương chức này cũng cho rằng, các định chế tài chính lẽ ra đã phải nhận thức được trước nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng hiện nay. “Các ngân hàng thừa biết họ đang coi thường rủi ro và tới lúc nào đó, sự điều chỉnh sẽ xảy ra. Tôi e rằng quá nhiều người trong số các quan chức nhà băng tự cho là mình có khả năng biết trước được thời điểm thực sự nổ ra của khủng hoảng để rút lui trước”, ông nói.
Theo ông Greenspan, để chặn khủng hoảng, các nhà tài chính và các chính phủ nên tìm ra các biện pháp nhằm hạn chế sự gian lận và nâng các yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng. Theo đó, các quy chế về vốn cần buộc các ngân hàng phải nắm giữ đủ tiền để đảm bảo cho hoạt động bình thường của họ và hoạt động rút vốn của khách hàng.
Ông Greenspan tỏ ra tin tưởng vào tương lai tươi sáng của kinh tế thế giới, nhưng ông cũng cảnh báo rằng, quá trình phục hồi cần tới sự loại bỏ các biện pháp bảo hộ, vì các biện pháp ngặt nghèo này có thể tác động xấu tới những bước tiến của thế giới nhằm mở cửa thương mại toàn cầu trong thời gian gần đây.
“Nỗ lực gần đây nhất nhằm thắt chặt giám sát trở lại là một phản ứng trước khủng hoảng. Ảnh hưởng lớn của những biện pháp này đang khiến những người làm trong ngành tài chính cảm thấy họ đã mất quyền kiểm soát. Vấn đề ở đây là chúng ta không thể có được thương mại toàn cầu tự do nếu áp dụng những biện pháp chặt chẽ nhằm giám sát thị trường nội địa”, ông Greenspan nói.
Trong suốt cuộc phỏng vấn với BBC, vị cựu Chủ tịch FED cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là sự cố “trăm năm có một” và là một sự cố mà ông không hề muốn mình phải chứng kiến.
Trước việc có một số ý kiến chỉ trích ông đã không nỗ lực nhiều hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính này, ông Greenspan đã phủ nhận bất kỳ trách nhiệm nào về những vấn đề mà kinh tế thế giới đang phải đương đầu.
“Đó là lẽ tự nhiên của con người. Trừ phi một ai đó có thể tìm ra cách thay đổi tự nhiên, chúng ta sẽ còn phải chứng kiến thêm những cuộc khủng hoảng nữa, và không một cuộc khủng hoảng nào trong số đó giống như lần khủng hoảng này. Bởi vì không có hai cuộc khủng hoảng nào lại có bất kỳ điểm chung gì, trừ lẽ tự nhiên của con người”, ông khẳng định.