Sáng ngày 05/09, tại Đắk Lắk, đã diễn ra Diễn đàn "Tây Nguyên - Thức dậy những tiềm năng", do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, UBND 5 tỉnh Tây Nguyên phối hợp Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển (BIDV) tổ chức.
Trao Giấy phép đầu tư cho các dự án.
Ðây là lần đầu Diễn đàn xúc tiến đầu tư cho riêng vùng Tây Nguyên được tổ chức ngay sau khi kinh tế đất nước có dấu hiệu hồi phục. Điều đáng mừng là Tây Nguyên, vùng đất giàu tiềm năng đón nhận sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước.
Sự quan tâm đặc biệt thể hiện là ngay tại Diễn đàn sáng 05/09, tổng số vốn các doanh nghiệp và nhà đầu tư cam kết và thực hiện đầu tư vào Tây Nguyên đã lên tới 24.677 tỷ đồng. Lãnh đạo các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng ngay tại Diễn đàn cũng đã trao 16 giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư với tổng số vốn là 8.528 tỷ đồng. Trong khi đó, các nhà đầu tư, lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên và đại diện ngân hàng đã ký thỏa thuận liên minh giữa các tỉnh Tây Nguyên với các Tập đoàn, Tổng Công ty, Doanh nghiệp và Ngân hàng để thực hiện đầu tư 30 dự án vào Tây Nguyên với tổng số vốn gần 16.150 tỷ đồng.
|
Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư Tây Nguyên 2009 |
Cụ thể, Tỉnh Kon Tum trao giấy phép đầu tư các Dự án Nhà máy Bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum, tổng vốn 1.896 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai làm chủ đầu tư; Dự án Thuỷ điện Đăk Psi 2B đầu tư tại Xã Văn Xuôi, huyện Tu M’rông; tổng vốn đầu tư 327 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Sông Đà - Ban Mê làm chủ đầu tư; Dự án Thủy điện Đăk Lô, đầu tư tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, vốn đầu tư 548 tỷ đồng, công suất thiết kế 22 MW, do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Đà 3 – Đăk Lô làm chủ đầu tư.
Trong khi đó, tỉnh Gia Lai cấp phép đầu tư cho 2 dự án là; Dự án Nhà máy sản xuất phụ gia khoáng Puzerland Công ty TNHH Hưng Tín làm chủ đầu tư và dự án Trồng và chăm sóc cao su, tại huyện Măng Yang... Tỉnh Đăk Lăk trao 7 giấy phép cho các dự án đầu tư chế biến cà phê Trung Nguyên, nhà máy luyện cán thép, khu du lịch xây dựng bệnh viện Đa khoa Nhân An… với tổng vốn 3.105 tỷ đồng.
Còn tỉnh Lâm Đồng có 04 dự án được trao giấy phép với tổng vốn đầu tư 2.502 tỷ đồng… Đó là Dự án Khu liên hợp vui chơi - giải trí Sapung, vốn đầu tư 290 tỷ đồng, do Công ty TNHH Du lịch Jinsung làm chủ đầu tư; Dự án Khu du lịch sinh thái - Công viên hoang dã kết hợp vui chơi, giải trí Bắc Hồ Đan Kia; tổng vốn đầu tư 703 tỷ đồng; do Công ty Cổ phần địa ốc Thảo Điền làm chủ đầu tư; Dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng cao su và trồng rừng kinh tế, đầu tư tại xã Lộc Bắc và xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, quy mô 4.506 ha, tổng vốn đầu tư 249 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Bảo Lâm làm chủ đầu tư; Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng chăm sóc tim mạch- Trung tâm Lão khoa Đà Lạt, đầu tư tại đường AnKroet, phường 7, Tp. Đà Lạt, quy mô 200 giường, tổng vốn đầu tư 1.260 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Chánh Đức- Đà Lạt làm chủ đầu tư…
|
Tỉnh và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng phải giữ uy tín khi đã cam kết
|
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Suối Cát- đơn vị vừa nhận được giấy phép đầu tư vào Dự án Khu Du lịch đèo Hạ Lan, địa điểm đầu tư tại đèo Hạ Lan – Buôn Hồ với tổng vốn đầu tư 964 tỷ đồng, cho biết: “Tây Nguyên có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều thuận lợi khi có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Là nhà đầu tư nên tôi quyết định đầu tư vào khu vực này. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chúng tôi mong muốn nhất là chính quyền sở tại cùng chung tay với nhà đầu tư thì dự án mới thực hiện được. Một sự án lớn như thế này có rất nhiều công đoạn phải làm, như: bản vẽ thiết kế, giấy phép xây dựng, quyền sử dụng đất…”.
Theo nhận xét của các nhà đầu tư, trong những năm qua, việc đầu tư Tây Nguyên nói chung có nhiều thuận lợi, nhưng đồng thời cũng nảy sinh nhiều vấn đề khiến các nhà đầu tư nản lòng. Trong những khó khăn gặp phải, đáng nói nhất vẫn là thủ tục hành chính. Tại Diễn đàn, lãnh đạo một số tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận là ở các cấp thực thi vẫn còn tình trạng gây phiền hà cho các nhà đầu tư và khẳng định sẵn sàng tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Ông Huỳnh Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Cam kết phải bảo đảm uy tín của cả 2 bên, tỉnh giữ uy tín, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng phải giữ uy tín. Một số nhà đầu tư vào cam kết, chờ đợi cơ hội nhưng sau đó không đủ năng lực nên bỏ chạy, làm mất nhiều cơ hội, thời gian và làm môi trường đầu tư xấu đi…”
Diễn đàn đã giới thiệu 120 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5 tỷ USD. Trong đó, nhu cầu vốn của tỉnh Kon Tum là 4.761 tỷ đồng, Gia Lai 1.918 tỷ đồng, Đắc Lắc 5153 tỷ đồng, Đăk Nông 2.134 tỷ đồng và Lâm đồng là 85.838 tỷ đồng
|
Ông Mai Văn Năm, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, Tây Nguyên xác định coi xúc tiến đầu tư là một động lực cho phát triển, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo các tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư có hiệu quả; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đang làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nghiên cứu đề xuất lên Chính phủ áp dụng thêm các ưu đãi đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên, bên cạnh các ưu đãi đầu tư đã được công bố.
Vẫn biết, việc cam kết đầu tư với thực hiện đầu tư có những khoảng cách, thế nhưng, theo lãnh đạo của các tỉnh Tây Nguyên, đã cam kết là phải thực hiện. Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng khẳng định, việc tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây nguyên là cơ hội tốt để các tỉnh Tây Nguyên quảng bá, giới thiệu các cơ chế thu hút đầu tư, cơ hội tốt để các tỉnh từng bước nâng tầm hợp tác, khai thác hiệu quả tiềm năng, có nhiều thông tin hơn cho các nhà đầu tư để có quyết định đầu tư phù hợp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các địa phương khi đã cam kết, hứa với nhà đầu tư thì phải làm. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Thường trực Chính phủ sẵn sàng lắng nghe những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư và UBND các tỉnh Tây nguyên để tháo gỡ, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực này