Giá lúa gạo trong nước tiếp tục giảm mạnh, nông dân khốn đốn vì không bán được lúa. Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những tuần gần đây, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục giảm mạnh do có nhiều doanh nghiệp chào giá thấp khiến khách hàng kiếm cớ ép lại.
Chuyển gạo lên tàu xuất khẩu. Ảnh: Đặng Hoàng
Trong quy định giá sàn xuất khẩu mà VFA đưa ra, giá bán gạo 5% tấm đang định hướng là 400 USD/tấn, 15% là 360 USD/tấn và 350 USD/tấn loại 25%. Trên thực tế, có đơn hàng do doanh nghiệp trong nước chào bán, với giá thấp hơn từ 5 – 7%.
Thiệt hại lớn
Ngày 9.9, truy cập trang web thericetrader.com, nơi chuyên đăng tải thông tin mua bán gạo quốc tế, một địa chỉ email có tên [email protected] đã chào hàng với giá gạo 5% tấm chỉ có 375 USD, gạo 15% thấp hơn giá hiệp hội đưa ra khoảng 5% và giá gạo 15% tấm còn thấp hơn mức giá của hiệp hội khoảng 10%. Đây không phải là hiện tượng cá biệt sẵn sàng chào giá dưới mức quy định ở các thị trường nhập khẩu theo hợp đồng tập trung. Từ đầu năm đến nay, VFA đã thu thập chứng cứ bảy doanh nghiệp bán phá giá gạo và đang đề xuất lên Thủ tướng cấm các đơn vị này xuất khẩu trong vòng một năm.
Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho biết, tình trạng doanh nghiệp bán phá giá gạo không chỉ tạo cớ cho thương nhân nước ngoài ép giá, thiệt hại kinh tế mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình đàm phán xuất khẩu vào một số thị trường tập trung. Quy chế thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung của hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 26.3.2008 ghi rõ: doanh nghiệp không được đăng ký hợp đồng thương mại bán cho các thương nhân đã ký hợp đồng tập trung với Việt Nam, gồm NFA (Philippines), Bulog (Indonesia), Alimport (Cuba) và Bernas (Malaysia). Sở dĩ phải đưa ra quy định như vậy, là vì bốn nước nhập gạo nói trên luôn chiếm 2/3 sản lượng gạo xuất khẩu mỗi năm của Việt Nam, với mức giá khá cao, ổn định. Hơn nữa, giá xuất tập trung vào bốn thị trường này thường đưa đến khung giá định hướng cho gạo Việt Nam xuất vào các thị trường khác.
Theo những thông tin mà chúng tôi nắm được, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trong số 120 thành viên VFA xé rào, tìm đủ mọi cách bán gạo vào bốn thị trường nói trên. Hậu quả là đến thời điểm này, việc đàm phán bán gạo theo hợp đồng tập trung với Indonesia, Malaysia không đạt được kết quả, do đối tác so bì có sự chênh lệch với giá mà doanh nghiệp bán “lụi” trong những hợp đồng thương mại cho họ. Riêng thị trường Philippines, một nguồn tin từ VFA cho hay, nếu không xảy ra tình trạng doanh nghiệp vi phạm, cố tình chào giá thương mại quá thấp vào thị trường này hồi tháng sáu, tháng bảy vừa qua thì Việt Nam đã ký được hợp đồng cung cấp 700.000 tấn gạo cho nước này. Không chỉ mất hợp đồng này, việc đàm phán bán gạo gối đầu cho thị trường này vào đầu năm 2010 cũng bị ảnh hưởng. “Nếu có trúng thầu các lô gạo tập trung tới đây, chắc chắn giá sẽ không cao như trước” – nguồn tin trên khẳng định.
Vô hiệu hoá quy chế xuất khẩu gạo
Năm 2008, Việt Nam bán cho Malaysia trên 200.000 tấn gạo theo hợp đồng tập trung, nhưng năm nay, theo VFA, do tình trạng xé lẻ chào giá nên hiệp hội không thể thoả thuận được mức giá như mong muốn. Theo chi cục Kiểm dịch xuất nhập khẩu thực vật vùng 9, tại cảng Mỹ Thới (An Giang), nhiều doanh nghiệp vẫn chở ồ ạt gạo đến đăng ký kiểm dịch xuất sang Malaysia. Ông Nguyễn Thọ Trí, phó chủ tịch VFA khẳng định, không loại trừ trong số này có các doanh nghiệp thành viên VFA. Sau khi ký được hợp đồng với đối tác, doanh nghiệp đã giao lại cho một vài đơn vị khác ngoài hiệp hội đứng tên xuất, nhằm tránh bị phát hiện.
Mặc dù quy chế xuất khẩu gạo đưa ra khá chặt chẽ, như hợp đồng phải đăng ký lên hiệp hội, giá bán không thấp hơn giá sàn quy định, đồng thời ghi rõ tên, địa chỉ người mua, người bán... nhưng doanh nghiệp vẫn lách được. Ông Nguyễn Thọ Trí dẫn chứng, doanh nghiệp vẫn đăng ký mức giá đúng theo định hướng sàn nhưng lại thoả thuận ngầm với đối tác sẽ thu tiền với giá khác thấp hơn nhiều so với giá trong hợp đồng. Trong trường hợp bị cấm xuất khẩu vào những thị trường tập trung thì họ lại tìm cách nhượng lại hợp đồng cho các đơn vị khác ngoài hiệp hội xuất. “Chúng tôi còn nghi ngờ có trường hợp họ tu chỉnh giá bán để thay đổi giá xuất thấp hơn giá trong bộ chứng từ gốc mà họ đã đăng ký với hiệp hội”, ông Trí nói thêm. Ngoài ra, ông Trí cũng đưa ra thông tin: “Hợp đồng xuất khẩu phải có dấu xác nhận của hiệp hội thì hải quan mới được phép ký nhận cho doanh nghiệp xếp gạo lên tàu. Thế nhưng, không hiểu sao, việc xuất khẩu gạo sang các thị trường tập trung tại các cảng vẫn diễn ra bình thường”.
Để kiểm soát việc gian lận giá, quy chế hiệp hội cũng quy định sẽ buộc phân bổ xuất uỷ thác cho một số đơn vị khác đối với hợp đồng nghi ngờ xuất giá thấp. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp có chân trong VFA bất tuân quy chế khi bị phát hiện bán giá thấp, trong đó có nhiều doanh nghiệp ở Kiên Giang.