Thu mua lúa vụ hè thu ĐBSCL: Kiện toàn hệ thống thu mua và đầu tư kho chứa tại cơ sở
Việc hình thành chợ đầu mối hay sàn giao dịch cần được tính toán làm sao thật hợp lý để nhà nông và doanh nghiệp có thể gặp nhau trên cơ sở hài hòa lợi ích của cả đôi bên.
Việc hình thành chợ đầu mối hay sàn giao dịch cần được tính toán làm sao thật hợp lý để nhà nông và doanh nghiệp có thể gặp nhau trên cơ sở hài hòa lợi ích của cả đôi bên.
Được mùa lúa hè thu, song xem ra người nông dân đồng bằng sông Cửu Long lại không mấy vui vì giá lúa đang có xu hướng giảm. Chủ trương mua lúa tạm trữ với giá đảm bảo nông dân có lãi 30% cũng rất khó thực hiện bởi khác với vụ đông xuân, chi phí cho vụ lúa hè thu đội lên cao hơn hẳn. Thêm vào đó, lượng lúa mua dự trữ 500.000 tấn lúa theo chỉ đạo của Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng được các doanh nghiệp thu mua gần đủ, khả năng mua thêm vào của doanh nghiệp là rất hạn chế.
Trong hoàn cảnh như thế, để giảm bớt thiết thòi cho nông dân, cần kiện toàn hệ thống thu mua và đầu tư kho chứa tại cơ sở.
Phải nói rằng, chủ trương mua lúa tạm trữ với giá đảm bảo cho nông dân có lãi 30% của Chính phủ đã tạo điều kiện rất lớn cho nhà nông yên tâm đầu tư sản xuất. Từ thắng lợi vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu năm 2009 này, diện tích gieo sạ của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long khoảng 1,6 triệu hécta, với sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn gạo hàng hóa. Nhìn chung, việc tiêu thụ lúa hàng hóa trong dân cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, hiện tượng ế đọng lúa trong dân vẫn lặp lại vào thời điểm thu hoạch rộ.
Hiện tại, lúa hàng hóa trong dân ở các tỉnh như Kiên Giang, Long An, Cần Thơ còn khá nhiều. Điều này kéo theo giá lúa đang có xu hướng giảm mạnh. Mặc dù Hiệp hội lương thực Việt Nam chỉ đạo các thành viên mua hết lúa hàng hóa trong dân với giá không dưới 3.800 đ/kg song trên thực tế, điều này rất khó thực hiện. Đơn giản, thương lái hiện vẫn là kênh thu mua chính và chi phối giá lúa của nông dân.
Không thể phủ nhận vai trò của thương lái trong việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long bởi doanh nghiệp chưa thể trực tiếp thu mua lúa của nông dân. Với mạng lưới chân rết đã được hình thành từ rất lâu với các cơ sở xay xát, phơi sấy, đội ngũ thương lái đã trở thành kênh thương mại không thể thiếu ở vựa lúa này. Và vì vậy, giá thu mua lúa gạo trong dân phần lớn là do đội ngũ này quyết định.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa chủ lực của cả nước, nhưng nông dân trồng lúa hầu hết là nghèo. Để đầu tư sản xuất lúa, phần đông nông dân đều phải vay “nóng” từ đầu vụ cho các chi phí về giống, phân bón, thuốc trừ sâu… Vì vậy, khi thu hoạch, việc bán tháo lúa gạo là điều khó tránh khỏi. Cũng vì lý do này mà thương lái càng được thể ép giá. Bài toán đặt ra là, thay vì bán nhanh vào vụ thu hoạch, người nông dân có thể gửi vào kho để chờ giá lên để giảm bớt thiệt thòi. Song rõ ràng cả việc giữ lúa chờ giá lên cũng là điều không thể, khi các khoản vay nợ của nhà nông đều đến ký phải trả, còn tìm kho để chứa lúa gạo thì cũng là điều bất khả thi.
Tình trạng lúa tồn đọng ở đồng bằng sông Cửu Long vào vụ thu hoạch đã tồn tại khá lâu. Nhiều chợ đầu mối đã, đang và sẽ tiếp tục được hình thành. Và người ta tính toán rằng, chợ đầu mối sẽ là nơi nông dân bán buôn lúa gạo trực tiếp cho doanh nghiệp, thậm chí mang lúa gạo đến phơi rồi gửi vào kho khi rớt giá… Nhưng đến nay, những tính toán này vẫn nằm trên giấy!
Lúa gạo cũng như các loại nông sản khác, vào thời điểm thu hoạch, hàng hóa dội chợ, hiển nhiên giá bị tụt xuống thấp. Vụ lúa hè thu này ở đồng bằng sông Cửu Long cũng không là ngoại lệ. Hiện nay, Hiệp hội lương thực đã đề nghị Chính phủ cho các doanh nghiệp vay ưu đãi để mua tiếp tạm trữ 500.000 tấn lúa nữa trong dân. Tuy nhiên, giải bài toán lợi nhuận từ 30% trở lên cho nông dân không chỉ lệ thuộc vào giá bán mà phải làm sao giảm được thấp nhất chi phí sản xuất cho nhà nông.
Vụ hè thu không phải là vụ sản xuất chính trong năm và là vụ sản xuất bất lợi nhất cả về điều kiện thời tiết và chi phí sản xuất. Đặc biệt, chất lượng lúa lại không đảm bảo vì là vụ lúa ướt, đòi hỏi phải phơi sấy, bảo quản kỹ lưỡng. Do vậy, nếu lấy mốc giá định hướng của Chính phủ là 3.800 đ/kg thì người nông dân chỉ hòa mà không có lãi. Đó là chưa kể mức giá này cũng rất khó đạt được vào thời điểm hiện nay. Khi sản xuất lúa hè thu, người nông dân thừa biết đây là vụ lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ vì giá thành sản xuất cao hơn vụ đông xuân 1.000 đồng/kg và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Biết thế, nhưng nông dân vẫn làm vì họ chỉ có đất ruộng để trồng lúa. Và tình trạng ứ đọng, giá lúa rớt đã thành chuyện “đến hẹn lại lên”!?
Nhìn rộng ra, giải quyết bài toán sản xuất tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long chính là kiện toàn lại hệ thống thu mua ở cơ sở. Việc hình thành chợ đầu mối hay sàn giao dịch cần được tính toán làm sao thật hợp lý để nhà nông và doanh nghiệp có thể gặp nhau trên cơ sở hài hòa lợi ích của cả đôi bên. Thêm vào đó, Nhà nước khẩn trương đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thuận tiện, xây mới các kho chứa, tăng cường thêm thiết bị xay xát, sấy khô để thu mua, bảo quản lúa gạo tạm trữ. Bố trí đủ nguồn vốn, tổ chức thu mua trực tiếp đến nông dân vừa giảm trung gian tiêu thụ, vừa giúp nông dân giảm bớt chi phí, thất thoát sau thu hoạch, và có thể yên tâm lựa chọn thời điểm thích hợp để bán lúa sao cho có lợi nhất, góp phần tăng giá trị hạt gạo và điều tiết thị trường lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung.