Trong khi đó, tình trạng lãng phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp, xây dựng dân dụng và giao thông vận tải (GTVT) của nước ta hiện nay là rất lớn. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy nhiệt điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28-32%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%.
Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm các ngành công nghiệp chính của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển. So sánh ngay ở các nước trong khu vực, để làm ra cùng một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của VN phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần các nước Thái Lan, Malaysia.
Như vậy, việc sử dụng hiệu quả năng lượng đã trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng khi hao tổn năng lượng trong sản xuất, giao thông của nước ta đang quá cao. Dự báo, Việt Nam đang và sẽ trở thành nước phải nhập khẩu năng lượng với khoảng 80-100 triệu tấn than đá vào năm 2020 để chạy các nhà máy nhiệt điện. Trong khi các nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời, gió...) hầu như chưa được khai thác, sử dụng.
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, chánh văn phòng TKNL (Bộ Công Thương), tiềm năng TKNL trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông ở Việt nam có đạt 20 - 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ cũng có tiềm năng TKNL không nhỏ, mà để thực hiện thì cũng chưa cần đầu tư lớn.
Nhiều chuyên gia lo ngại khi có nhiều công ty nước ngoài đưa vào Việt Nam các ngành công nghiệp sử dụng quá nhiều năng lượng như thép, xi măng, thủy tinh..., trong khi việc đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo chưa thật sự được quan tâm. Nhiều người cho rằng, cần phải đưa tiêu chuẩn TKNL vào khâu thiết kế các công trình xây dựng. Cụ thể là phải có cửa sổ thông thoáng, các tòa nhà khi xây dựng với diện tích trên 1.000 m2 thì phải sử dụng năng lượng mặt trời, nếu không sẽ phải trả tiền điện với giá cao hơn…