Một lít xăng A92 hiện có giá 15.700 đồng nhưng các loại phí và thuế đã chiếm 5.900 đồng. Đó là con số quá lớn mà doanh nghiệp và người tiêu dùng phải gánh.
Khi giải thích chuyện giá cả, cơ quan quản lý nhà nước luôn cho rằng phải điều hành hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhưng nhìn vào cơ cấu giá thành trên có thể thấy lợi ích đang nghiêng về hướng nào.
Theo ông Thái Văn Chung - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Tài chính, đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để giảm áp lực giá bán lẻ.
Ông Chung cho biết trong cơ cấu giá cước hiện nay của các đơn vị vận tải, giá xăng dầu chiếm khoảng 45%. Do đó, việc giá xăng dầu đứng ở mức cao chắc chắn kéo theo giá cả hàng hóa trong nước cũng sẽ cao.
Giảm 1.000 đồng/lít dầu, giảm được 5% cước
Chủ một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hóa trên địa bàn TP.HCM cho biết hiện chi phí vận chuyển chiếm 70-80% tổng chi phí của công ty, trong đó riêng tiền xăng dầu chiếm trên 20%. “Chúng tôi buộc phải giảm lợi nhuận từ cuối năm ngoái đến nay để cố không tăng giá do tình hình kinh tế khó khăn. Nhưng về lâu dài, với việc giá xăng dầu liên tục tăng như vừa qua, chúng tôi khó chịu đựng nổi” - vị này nói.
Đề đạt nguyện vọng chung, ông Chung nói: “Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM rất mong các cơ quan chức năng điều chỉnh giảm bớt thuế nhập khẩu xăng dầu. Bởi chỉ cần giảm được khoảng 1.000 đồng/lít dầu, các doanh nghiệp vận tải giảm được ít nhất 5% giá cước”.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, các doanh nghiệp sản xuất thép hiện sử dụng khá nhiều dầu FO cho lò nung trong công đoạn cán thép, ước khoảng 40 lít cho mỗi tấn thép cán thành phẩm. Đợt tăng giá vừa rồi, chỉ tính chi phí tăng thêm 300 đồng/lít cho dầu FO, chi phí đầu vào của thép cán đã tăng khoảng 12.000 đồng/tấn.
Theo ước tính của ông Nghi, với mức tiêu thụ bình quân 340.000 tấn/tháng như hiện tại, từ đây đến cuối năm chi phí dầu đội lên ước tính 16 tỉ đồng. “Đây là con số không hề nhỏ với người tiêu dùng vì khi điều chỉnh giá thép tăng, yếu tố giá xăng dầu tăng cũng được doanh nghiệp tính đến như một nguyên nhân chính” - ông Nghi khẳng định.
Nên theo cơ chế thị trường
Ông Nghi cho rằng với cơ chế kinh doanh xăng dầu cần thật sự tiến tới cơ chế thị trường đúng nghĩa: việc điều chỉnh giá lên hoặc xuống phải gần hơn nữa so với diễn biến giá của khu vực hay thế giới. Trong trường hợp giá thế giới lên nhanh hoặc xuống quá nhanh thì giá bán trong nước cũng cần phải có khoảng thời gian ấn định cụ thể việc thay đổi theo, chứ không thể kéo dài theo nguyên lý “cần có độ trễ” mà các doanh nghiệp xăng dầu đang áp dụng hiện nay.
Riêng về mức thuế nhập khẩu cùng với mức thu phí xăng dầu đang áp dụng hiện nay, ông Nghi đề nghị Bộ Tài chính nhất thiết phải xem xét lại. “Toàn bộ các khoản nói trên đều được các nhà kinh doanh xăng dầu tính hết lên người tiêu dùng thông qua giá bán, kể cả khoản trích để lập quỹ bình ổn xăng dầu khi doanh nghiệp đã có lãi cũng vậy” - ông Nghi phân tích.
Theo nhận xét của ông Đỗ Duy Thái - tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Việt (Pomina), giá bán xăng dầu hiện nay vẫn chỉ do một nhóm doanh nghiệp có thị phần chi phối ấn định là chính. “Điều đó khó nói đến chuyện giá cả hợp lý theo cơ chế thị trường được” - ông Thái nói.
“Với cơ cấu giá như trên, rõ ràng các khoản thuế, phí quá nặng. Doanh nghiệp chúng tôi mong Nhà nước cân nhắc giảm thuế, phí để có thể giảm giá bán lẻ xăng dầu. Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp hiện nay, giảm được đồng chi phí nào thì hàng hóa VN càng thêm sức cạnh tranh chừng đó ở cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu” - giám đốc một doanh nghiệp thực phẩm chia sẻ.