Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Xuất khẩu thủy sản - Đối mặt với quy định IUU
Ngày: 9/19/2009 11:16:31 AM
Từ 1/1/2010, điều kiện tiên quyết để thủy sản Việt Nam có thể nhập khẩu vào EU là phải có giấy chứng nhận thể hiện thông tin về tính hợp pháp của sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua trở ngại này?

Doanh nghiệp nên thu mua thủy sản từ những tàu cá được cấp giấy phép khai thác.

Xuất khẩu thủy sản đang đứng trước trở ngại không nhỏ bởi từ ngày 1/1/2010, Liên minh châu Âu bắt đầu áp dụng quy định IUU với Việt Nam. Bà Trần Bích Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT cho ý kiến về vụ việc này:

 * Thưa bà, hiện nay, việc truy suất nguồn gốc các lô hàng thủy sản của Việt Nam được tiến hành như thế nào?

- Ngày 11/12/2008, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN về Quy chế kiểm tra và công nhận DN sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Theo đó, các DN sản xuất, kinh doanh thủy sản phải thiết lập hệ thống truy suất nguồn gốc và triệu hồi sản phẩm. Để thực hiện các quy định này, từng DN sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có biện pháp lưu giữ thông tin liên quan đến tất cả các lô nguyên liệu và sản phẩm được mua bán tại DN.

 

IUU là tên viết tắt của các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý. Theo quy định IUU, các quốc gia thành viên EU phải áp dụng việc xử phạt ở mức ít nhất gấp 5 lần giá trị của sản phẩm sai phạm, gấp 8 lần giá trị cho các trường hợp tái phạm trong thời gian 5 năm. Ngoài ra, luật cũng đưa ra các biện pháp xử phạt khác kèm theo như tịch thu tạm thời tàu đánh bắt cá vi phạm...
Thông tin bao gồm: các cơ sở nuôi, cơ sở thu gom, sơ chế thủy sản cung cấp nguyên liệu cho DN để chế biến hoặc cơ sở mua sản phẩm của DN để xuất khẩu và thời gian giao nhận từng lô hàng. Các thông tin này được cung cấp cho cơ quan thẩm quyền bất cứ khi nào có yêu cầu. Cơ quan quản lý Nhà nước thiết lập hệ thống đăng ký, cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin tất cả các cơ sở, sản xuất kinh doanh thủy sản và cấp cho mỗi cơ sở một mã số nhận diện duy nhất nhằm truy suất và ứng phó nhanh trong trường hợp có sự cố về vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng tới tính mạng người tiêu dùng.

 * Thời điểm mà EU áp dụng các quy định IUU đang đến gần, theo bà, các DN Việt Nam cần phải làm gì?

- Cục chúng tôi đang phối hợp với Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản xây dựng văn bản hướng dẫn tới những DN xuất, nhập khẩu thủy sản vào thị trường EU những quy định IUU. Các DN cũng cần chủ động cập nhật quy định của EU và tích cực tham gia vào hoạt động tập huấn, phổ biến quy định IUU và kế hoạch hành động quốc gia do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản sẽ công bố danh sách những tàu cá được phép khai thác thủy sản và DN chỉ thu mua thủy sản của những tàu cá này. Đối với những DN nhập khẩu thủy sản để chế biến và xuất khẩu sang EU thì khi mua lô thủy sản đó, DN phải thu mua từ những cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền của nước đó chứng nhận thủy sản khai thác trên tàu tuân thủ các quy định của IUU và được xác nhận là sản phẩm đảm bảo ATVSTP. Các DN chế biến thủy sản xuất khẩu cũng phải hoàn thiện hệ thống truy suất nguồn gốc thủy sản, đặc biệt thủy sản khai thác từ biển và thực hiện hệ thống lưu trữ hồ sơ. Mặc dù, hệ thống truy cấp nguồn gốc sản phẩm của các DN Việt Nam đã được các đoàn thanh tra châu Âu cũng như các nước nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đánh giá cơ bản đạt yêu cầu. Tuy nhiên, việc truy suất nguồn gốc sản phẩm liên quan đến cơ sở khai thác, nuôi trồng thủy sản và giữa các đại lý thu mua nguyên liệu với cơ sở chế biến còn có nhiều điểm cần bổ sung để hoàn thiện hơn. 

Ông Phạm Trọng Yên, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ NN&PTNT: Cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến quy định IUU đến các đối tượng

Khi áp dụng quy định IUU, EU chưa tính hết được những khó khăn về năng lực của các nước đang phát triển trong việc cấp giấy chứng nhận khai thác thủy sản. Việt Nam mới chỉ cấp giấy chứng nhận cho phép khai thác thủy sản. Còn việc cấp giấy chứng nhận tính hợp pháp đối với sản phẩm là hoạt động rất mới, trong khi đội ngũ cán bộ thủy sản ở địa phương thiếu và yếu, kinh phí quản lý chưa nhiều, hệ thống cảng cá, bến cá đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.

Ngày 30/7/2009, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác triển khai quy định IUU gồm đại diện của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và một số đơn vị trong Bộ NN&PTNT. Một trong những việc quan trọng của Tổ công tác là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến quy định của IUU đến các đối tượng tham gia khai thác, vận chuyển, chế biến cũng như xuất khẩu thủy sản. Các hội thảo sẽ được tổ chức tại các khu vực trọng điểm về nghề cá của Việt Nam.

* Bà có nhận xét gì về xu hướng sản xuất kinh doanh khép kín trong lĩnh vực đánh bắt hải sản?

 - Các nước có nghề cá phát triển đều sản xuất theo mô hình khép kín, nhằm đảm bảo ATVSTP, còn nước có nghề cá quy mô nhỏ thì đang phấn đấu thực hiện. Tổ chức Thương mại Quốc tế cũng đã có nhiều cuộc họp về việc hỗ trợ thương mại đối với nước đang phát triển và chậm phát triển và đưa ra kết luận, phát triển thị trường bằng sức mạnh cộng đồng là cách thức duy nhất để các nước nghèo mở rộng sản xuất. Nhiệm vụ của các tổ chức cộng đồng là làm những việc mà từng DN đơn phương không làm được hoặc cơ quan Nhà nước làm không có hiệu quả hoặc trái với nguyên tắc thị trường. Xu hướng phổ biến của các nước có nghề cá quy mô nhỏ như Việt Nam cần hình thành chuỗi liên kết cộng đồng giữa DN chế biến với các cơ sở cung cấp nguồn lợi thủy sản với sự cam kết chặt chẽ giữa các thành viên trong chuỗi liên kết sản xuất và quản lý quá trình phát triển bền vững trên nguyên tắc hợp đồng trách nhiệm và chia sẻ rủi ro.

* Theo bà, chúng ta có kịp ứng phó với quy định IUU?

- Quy định IUU là hết sức cần thiết nhằm đẩy mạnh công tác quản lý nghề cá, góp phần phát triển bền vững nghề cá trên các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, quy định này được chính thức áp dụng với Việt Nam từ ngày 1/1/2010 là thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu thủy sản ở nước ta. Chúng ta sẽ phải cố gắng ở mức cao nhất trong việc hình thành và triển khai hệ thống cấp chứng chỉ về khai thác thủy sản của mình và chúng tôi cũng lấy thời điểm 1/1/2010 là thời điểm phấn đấu. Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị các thủ tục để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản không chỉ với các nhà máy chế biến, DN xuất khẩu mà đến tận hộ nuôi, trang trại, các chủ thu gom nhỏ lẻ. Thủy sản Việt Nam hiện được xuất khẩu sang 145 nước và  vùng lãnh thổ. Việc thực hiện các thủ tục truy xuất nguồn gốc cũng là cơ hội để xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng thủy sản Việt Nam và giúp thủy sản Việt Nam vươn ra thế giới thuận lợi hơn.

(Nguồn:Báo TNVN)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.