Việt Nam có tiềm năng gió rất lớn với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thuỷ điện Sơn La.
Tiềm năng điện gió ước đạt hơn 10 lần tổng công suất ngành điện 2010.
5 tuabin điện gió với tổng công suất 7,5MW của nhà máy sản xuất điện gió đầu tiên của Việt Nam đặt tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận vừa được đưa vào vận hành.
Nếu có đi ôtô dọc quốc lộ 1, ngang qua địa phận Tuy Phong (Bình Thuận), hành khách đều có thể dễ dàng nhìn thấy dãy chong chóng khổng lồ sừng sững đứng hướng ra biển. Đó là một phần “tổng hành dinh” của nhà máy điện gió Tuy Phong.
Tiềm năng rất lớn
Đây cũng là nhà máy sản xuất điện gió có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam. Giai đoạn 1 nhà máy sẽ lắp đặt 20 tuabin, có chiều cao cột 85m, đường kính cánh quạt 77m, công suất 1,5MW. Tổng trọng lượng tuabin là 89,4 tấn, cột tháp là 165 tấn. Toàn bộ thiết bị do hãng chế tạo thiết bị phong điện Fuhrlaender của CHLB Đức cung cấp, tổng mức đầu tư là 816 tỉ đồng.
Thông tin từ nhà máy cho biết, từ nay đến cuối năm 2009 sẽ có thêm 7 tuabin khác, với công suất 10,5MW, cùng vận hành để hoà vào lưới điện quốc gia. Đây là dự án do công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư, có quy mô công suất 120MW với 80 tuabin sẽ hoàn thành vào năm 2011.
Ông Trần Việt Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần Phong điện Fuhrlaender Việt Nam, đơn vị đối tác của REVN cho biết, Fuhrlaender cũng đã đầu tư 25 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp tuabin điện gió tại Tuy Phong.
Theo tính toán của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều thuận lợi cơ bản để phát triển năng lượng loại này.
Một khảo sát của ngân hàng Thế giới về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á cho thấy, Việt Nam có tiềm năng gió rất lớn với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360MW, tức là bằng hơn 200 lần công suất của thuỷ điện Sơn La, và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020 (khoảng 200.000 GWh).
Hai vùng giàu tiềm năng nhất để phát triển năng lượng gió là huyện Sơn Hải (Ninh Thuận) và vùng đồi cát ở độ cao 60 – 100m phía tây Hàm Tiến đến Mũi Né (Bình Thuận). Gió vùng này không những có vận tốc trung bình lớn, mà còn có một thuận lợi khác, đó là số lượng các cơn bão khu vực ít và gió có xu thế ổn định. Trong những tháng có gió mùa, tỷ lệ gió nam và đông nam lên đến 98% với vận tốc trung bình 6 – 7m/s, tức là vận tốc có thể xây dựng các trạm điện gió công suất từ 3 – 3,5MW.
Tiết kiệm đất, tốt cho môi trường
Vào tháng 7.2009, một thoả thuận hợp tác giữa bộ Công thương Việt Nam và tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) cũng đã được ký kết.
Theo đó, GTZ sẽ hỗ trợ 1 triệu euro cho Việt Nam thực hiện dự án “Xây dựng khung pháp lý và hỗ trợ kỹ thuật cho điện gió nối lưới tại Việt Nam” trong giai đoạn từ 2009 – 2011.
Dự án giúp Việt Nam triển khai một số chương trình như xây dựng khung pháp lý cho điện gió nối lưới và quy trình quy hoạch, chương trình thúc đẩy tiến bộ khoa học và tư vấn các dự án điện gió tại Việt Nam.
Ông Guenter Riethmacher, trưởng đại diện GTZ tại Việt Nam cho rằng, tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam là rất cao nhưng hầu như chưa được khai thác.
Theo báo cáo điều tra sơ bộ của bộ Công thương, 8,6% diện tích đất của Việt Nam được đánh giá là những vùng có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng gió, nhất là các tỉnh phía Nam, ước tính sản lượng vào khoảng trên 1.780MW.
Riêng tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng, tổng công suất khai thác ước tính có thể lên tới 800MW.