Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Thận trọng khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Ngày: 9/26/2009 9:15:14 AM
Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thiếu thông tin và không cập nhật được những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc.

Thận trọng khi xuất khẩu sang Trung Quốc!!!

Tại hội nghị “Đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” diễn ra tại Bến Tre ngày 25-9, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đều thống nhất: muốn giảm áp lực hàng Trung Quốc thì tốt nhất Việt Nam nên có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.  Ngoài ra, DN nên thẩm tra kỹ lý lịch thương nhân, các nhà nhập khẩu Trung Quốc trước khi quyết định hợp tác nhằm giảm thiểu rủi ro.
 
Theo các DN xuất khẩu, hầu hết họ không lường trước được những rủi ro tại thị trường này. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Trang trại nông nghiệp nông dân, nông thôn Việt Nam, cho biết hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn DN xuất khẩu nông sản đều thiếu thông tin và không cập nhật được những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu của Trung Quốc.
 
Ông Nguyễn Công Trưởng, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết do thiếu thông tin dẫn tới tình trạng hàng ách tắc dọc biên giới đã diễn ra triền miên. Hàng trăm xe dưa hấu chở từ miền Trung, miền Nam ra cửa khẩu Tân Thanh rồi lại phải đổ đi tái diễn thường xuyên khiến DN trong nước thiệt hại cả trăm triệu đồng.
 
Theo ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương, với những đối tác lần đầu tiếp xúc, DN cần đề nghị cung cấp giấy phép kinh doanh do Cục Quản lý hành chính công thương tại tỉnh, thành phố của Trung Quốc nơi DN đó có trụ sở. Ông Chương nhấn mạnh, nếu DN xác định làm ăn lâu dài thì nên cử người sang thẩm định văn phòng, hệ thống nhà xưởng của đối tác...
 
Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều DN Việt Nam đã làm như vậy nhưng vẫn bị lừa do phía đối tác Trung Quốc thuê mượn lại văn phòng, cơ sở vật chất của DN khác nhằm qua mặt nhà xuất khẩu Việt Nam. Ngoài ra, khi xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, DN không nên sử dụng các mẫu hợp đồng của phía đối tác vì các điều khoản chế tài thường có lợi cho phía họ. Trong hợp đồng thương mại, DN cần ghi rõ trường hợp có tranh chấp thì trọng tài phân xử sẽ của Việt Nam hoặc một nước thứ ba vì việc xét xử tranh chấp thương mại theo cơ quan trọng tài Trung Quốc thường rất tốn kém, phức tạp về thủ tục và ngôn ngữ.
 
Năm 2009, dự kiến kim ngạch mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 6,9% so với năm 2008, trong đó xuất khẩu dự kiến đạt năm tỷ USD, tăng 11,1%. Đến năm 2010, kim ngạch mậu dịch hai nước có khả năng đạt 25 tỷ USD.
(Nguồn:Pháp luật)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.