Trong khi ngành tài chính hưởng lợi lớn từ kích cầu thì các doanh nghiệp sản xuất nhỏ rất khó tiếp cận. Đây là lý do dẫn tới những quan điểm trái chiều về việc thiết kế gói thứ hai.
Đừng kích cầu theo kiểu ném phao cho người bơi khỏe.
Tác dụng tích cực của các biện pháp kích thích kinh tế nhìn chung được giới phân tích và doanh nghiệp thừa nhận. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn, gói kích cầu có vai trò cấp cứu đối với nền kinh tế, khi nhiều người trở nên hoảng loạn trước cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những tác động đến Việt Nam.
Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB) Đỗ Quang Hiển nhớ lại bối cảnh ra đời gói kích cầu thứ nhất. Khi đó, kinh tế thế giới khó khăn, trong nước chịu tác động mạnh, xuất khẩu sụt giảm, tiêu thụ trong nước cũng đình trệ, hàng làm ra mà không có nơi tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ ngân hàng, thậm chí không thể trả lương cho nhân viên. Bản thân các ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn, nhiều nơi căng thẳng thanh khoản, bởi dòng tiền sụt giảm rất mạnh. "Lâu lắm rồi bản thân tôi và kinh tế Việt Nam mới trải qua suy thoái như thế".
Ông Đỗ Quang Hiển cho rằng, vấn đề hiện nay là hậu suy giảm, làm thế nào để đảm bảo doanh nghiệp tăng trưởng ổn định và phát triển. Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, nhưng các doanh nghiệp nhỏ vẫn khó khăn. Lo ngại của một số chuyên gia có phần đúng, vì tỷ lệ hàng tồn đọng rất cao, nhiều doanh nghiệp vẫn không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Vì thế các doanh nghiệp này cần được sự hỗ trợ thêm của Chính phủ. Chủ tịch SHB cũng nhận định, chỉ số giá tiêu dùng trong năm tới ít có khả năng tăng cao, vì thế vẫn có cơ hội để thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ - ông Nguyễn Quang Lưu lại không ủng hộ việc thiết kế thêm gói kích cầu mới. Theo ông, gói kích cầu thứ nhất đã khiến ngân sách phải tốn kém khá nhiều, nếu đưa thêm một gói nữa không biết tình hình sẽ ra sao.
Hơn nữa, một lượng không nhỏ vốn từ gói kích cầu thứ nhất đã đến sai địa chỉ. “Trong số vài nghìn hội viên của hiệp hội, số doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn kích cầu không vượt quá 10-15%. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do điều kiện cho vay quá ngặt nghèo”, ông Lưu cho biết.
Cũng theo vị phó chủ tịch này, rất nhiều doanh nghiệp vướng vào tình trạng không thể có ngay dự án khả thi hoặc nếu có, lại không thể có đủ tài sản thế chấp. “Đã là doanh nghiệp cần được cứu thì chuyện nợ quá hạn là phổ biến. Nhưng nợ quá hạn thì không vay được vốn kích cầu. Ngoài ra, thời gian cho vay không quá 8 tháng là rất khó để doanh nghiệp có thể mua nguyên liệu, sản xuất và thu hồi vốn”, ông Lưu nói.
Ông Phạm Ngọc Đoàn, Giám đốc Công ty CP An Việt, thì lo ngại tình trạng những doanh nghiệp yếu, cần vốn lại khó vay ưu đãi trong khi doanh nghiệp khỏe, có quan hệ lại dễ dàng tiếp cận: “Tôi biết ở nhiều tỉnh, các ngân hàng rất muốn giải ngân vốn kích cầu nên dễ dàng cho vay. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều anh bơi khỏe vẫn lấy phao trong khi nhiều người bơi yếu không có phao mà lấy…”.
Ông Phạm Ngọc Đoàn đề xuất nếu đánh giá được gói kích cầu thứ nhất là hiệu quả, đúng đối tượng, mục đích thì nên có thêm gói thứ hai. Nhưng phải thực hiện thế nào để đưa phao cho đúng người, đúng lúc.
Là lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành tài chính - lĩnh vực được coi là trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ gói kích cầu, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng việc gói kích cầu thứ nhất giải ngân nhanh có thể là do có nhiều người thấy vốn rẻ thì vay, chứ không hẳn xuất phát từ nhu cầu thực sự. Qua những con số kỷ lục về giá trị giao dịch, trung bình mỗi ngày 4.000-5.000 tỷ đồng trên 2 sàn chứng khoán, lượng vốn kích cầu chảy vào chứng khoán có lẽ còn lớn hơn mức 7.000 tỷ đồng mà một số thống kê đưa ra. Đây cũng là lý do ngay khi có thông tin kiểm soát tăng trưởng tín dụng, thị trường chứng khoán đã lập tức lao dốc.
Ông Hưng cho rằng gói kích cầu thứ hai nếu được thực hiện, phải gắn liền với những dự án cụ thể và có thể đánh giá hiệu quả ngay. Nếu vẫn kích cầu như gói thứ nhất thì sẽ duy trì được trạng thái dễ thở cho doanh nghiệp nhưng không làm doanh nghiệp lớn lên được và mất tính cạnh tranh vì khi họ quen sống nhờ. Đến khi dừng kích cầu thì họ sẽ không xoay sở được trong khi toàn bộ số tiền bỏ ra không được đầu tư vào chiều sâu.
Kết quả một cuộc khảo sát hàng quý do hai công ty WVB Việt Nam và PVFC Invest vừa công bố cho thấy, doanh nghiệp trong quý III nhìn chung đã bớt lạc quan so với quý trước. Trong khảo sát hồi quý II, tất cả doanh nghiệp tham gia bày tỏ sự tin tưởng vào các biện pháp kích cầu. Tuy nhiên. kết quả thu được lần này cho thấy chỉ 40% doanh nghiệp đánh giá gói kích cầu mang lại hiệu quả, 48% thấy kết quả "bình thường" và 13% cho rằng ít hiệu quả.