TP.HCM: Đổi mới mô hình KCN
Ngày: 10/19/2009 9:44:01 AM
Theo yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tập trung phát triển công nghiệp TPHCM đến năm 2017, cần có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mới nhằm đảm bảo phát triển nhanh và bền vững…
TP.HCM: Đổi mới mô hình KCN.
Các KCX-KCN TPHCM đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của TP và nộp ngân sách quốc gia hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng số lượng các KCN thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập, như: Hình thành và phát triển một cách tự phát, không định hướng, ô nhiễm môi trường, vấn đề xã hội phát sinh. Các công ty kinh doanh hạ tầng do áp thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận đã tìm mọi cách thu hút nhà đầu tư mà không quan tâm đến qui mô, ngành nghề, hiệu quả sử dụng đất và trình độ công nghệ của dự án.
Hạn chế của mô hình KCN hiện nay
Hiện nay, 5 ngành nghề chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất so với tổng vốn đăng ký là: dệt may (12,9%), chế biến thực phẩm (12,4%), điện-điện tử (11,8%), cơ khí (9,6%) và dịch vụ (8,7%).
Sự hình thành các KCX-KCN đa ngành nghề, không có định hướng như thời gian qua kéo theo hệ quả các dự án chứa hàm lượng công nghệ cao còn ít, giá trị gia tăng sản phẩm chưa cao. Và như thế, quỹ đất tại các KCN được bán hoặc cho thuê một cách không định hướng gây lãng phí “nguồn tài nguyên” được xem là khan hiếm hiện nay. Chưa kể, tình trạng ô nhiễm môi trường do các KCX-KCN đa ngành này gây ra ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, chỉ có 30% lượng nước thải của các KCN được xử lý. Còn chất thải rắn - độc hại thì chưa được xử lý một cách triệt để.
Thực tế, việc tồn tại các KCN đa ngành gây nhiều khó khăn cho việc xử lý chất thải và bảo đảm môi trường. Vì mỗi ngành nghề có một đặc trưng riêng về nguy cơ ô nhiễm, việc xử lý tập trung các loại chất thải lại với nhau đem lại hiệu quả thấp.
Cần phải thay đổi
Việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ cao là chủ trương của Chính phủ và UBND TP nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại. Thực tiễn cho thấy, mô hình KCN đa ngành như hiện nay tại TPHCM không còn phù hợp. Để phát triển lâu dài, đem lại hiệu quả kinh tế cao, các KCX-KCN TP phải được quy hoạch lại một cách hệ thống, khoa học. Cần có những mô hình KCN mới được đầu tư xây dựng được xây dựng. Có hai mô hình KCN mới được Phòng Quản lý Đầu tư Hepza nghiên cứu đề xuất. Đó là: KCN chuyên ngành và KCN đa ngành có định hướng.
Theo phân tích của Phòng Quản lý Đầu tư, KCN chuyên ngành và KCN đa ngành có định hướng có những thế mạnh riêng cho mục tiêu phát triển. Cụ thể, KCN chuyên ngành đảm bảo thu hút đầu tư theo đúng ngành nghề được quy hoạch, thu hút những ngành chiến lược, trọng điểm và điều tiết được giá đất phù hợp với nhu cầu vận động đầu tư trọng điểm, chi phối toàn bộ hoạt động của KCN.
Việc xây dựng KCN chuyên ngành cũng giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường do việc xử lý nước thải và các yếu tố ảnh hưởng môi trường được tiến hành thuận lợi hơn. Còn KCN đa ngành có định hướng đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư về vị trí địa lý, giao thông, nguyên liệu… Thời gian thu hút đầu tư của KCN này ngắn hơn, tình trạng để đất trống được giảm thiểu và hiệu quả sử dụng đất cao. Đồng thời tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ được đầu tư để phục vụ cho các dự án lớn.
Tuy nhiên, với những điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và khả năng kêu gọi đầu tư cho các dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao còn nhiều hạn chế thì mục tiêu trước mắt cho việc hình thành các KCN mới là lựa chọn mô hình KCN chuyên ngành có định hướng làm giải pháp hàng đầu. Đồng thời phải có những chiến lược xây dựng và phát triển lâu dài để các KCN này phát huy được tính ưu việt của mình, nhằm thúc đẩy nền kinh tế TP phát triển bền vững.
(Nguồn:HEPZA)