Mục đích ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho người có thu nhập thấp được các đại biểu nhất trí cao.
Chính phủ đã đề nghị giảm thuế suất từ 10% xuống 5% đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.
Dù đã được lùi lại một kỳ họp để hoàn chỉnh, song dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội, tại phiên thảo luận tổ chiều 26/10.
Tại dự án luật này, Chính phủ đã đề nghị giảm thuế suất từ 10% xuống 5% đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp.
Mục đích ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho người có thu nhập thấp được các đại biểu nhất trí cao. Tuy nhiên, điều mà hầu hết các ý kiến tỏ ra lo ngại là ưu đãi thì dễ, nhưng kiểm tra thì rất khó.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng nếu nói chung chung như dự luật thì dễ làm cho việc quản lý ngân sách lỏng lẻo. Ưu đãi thuế nhưng giá nhà lại do doanh nghiệp quyết thì có thể người đáng được hưởng thì lại không được.
Còn theo nhận xét của đại biểu Lê Việt Trường (An Giang) thì quỹ nhà xã hội hiện nay đang không đi đúng với chủ trương ban đầu. Người có thu nhập thấp muốn tiếp cận thường phải qua trung gian.
“Cần có giải pháp quan tâm giám sát đến chất lượng chứ nếu không người thu nhập thấp đã là đối tượng dễ tổn thương nay lại rất dễ trở thành nạn nhân khi mới chỉ động đất cấp 5, cấp 6”, đại biểu Trường lo ngại.
Đại biểu Hứa Chu Khem (Sóc Trăng) và nhiều đại biểu khác cho rằng, quy định người mua hoặc thuê mua nhà ở thu nhập thấp chỉ được phép bán hoặc cho thuê sau 10 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư dự án là quá cứng nhắc.
Một số ý kiến của đại biểu các tỉnh Tây Ninh, Cần Thơ, Cao Bằng…phân tích, nếu giảm thuế kèm theo điều kiện hạn chế giá bán thì nhà đầu tư cũng không mấy mặn mà. Cạnh đó, không có sự kiểm soát chặt thì chính sách rất dễ bị lợi dụng. Nhiều ý kiến đề nghị hỗ trợ trực tiếp cho người có thu nhập thấp và sinh viên.
Đã thẩm tra và nhất trí chủ trương, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng vẫn băn khoăn “không hiểu chính sách miễn giảm như vậy thì có đến đúng đối tượng không. Làm sao để người thu nhập thấp, công nhân được vào ở nhà giá rẻ. Nếu không có cơ chế tốt thì mọi chuyện sẽ biến tướng”.
Theo ông Hiển thì thực chất mức thuế được miễn không là bao nhiêu, không ảnh hưởng nhiều đến ngân sách. Còn nếu hỗ trợ trực tiếp thì chưa có nguồn lực. “Đây là bài toán không dễ nên mới phải lựa chọn phương án hỗ trợ thông qua doanh nghiệp”, Chủ nhiệm Hiển nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện. Thường vụ Quốc hội cũng lo lắng và đề nghị khi thực thi chính sách phải có cơ chế cam kết về giá và chất lượng. Vì doanh nghiệp đã được ưu đãi về giá và ưu đãi về thuế rồi nên phải cam kết đúng chất lượng.
Cũng theo Phó chủ tịch, nên động viên khuyến khích người dân mua. Nếu họ vì điều kiện mà phải di chuyển đến chỗ mới thì phải tạo điều kiện. Nên có điều khoản là họ được bán lại cho chủ đầu tư cũng như cho chính người nghèo giống như họ, ông nói.