Theo ông Phạm Phi Anh - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ: Hiện tình trạng đăng ký bảo hộ sáng chế của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam mới chỉ chiếm 10% tổng số đăng ký (sáng chế nước ngoài đăng ký bảo hộ tại VN chiếm 90%).
Đối với đăng ký nhãn hiệu tỉ lệ này là 60% của Việt Nam và 40% của nước ngoài. Đăng ký bảo hộ kiểu dáng là 70% của Việt Nam và 30% của nước ngoài. Đa số các doanh nghiệp chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện do chưa thấy được lợi ích thiết thực và lĩnh vực này còn tương đối mới ở Việt Nam.
Doanh nghiệp vẫn “lơ là”
Theo ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam: Tình trạng xâm phạm quyền SHTT vẫn đã và đang diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi. Số các vụ vi phạm quyền SHTT trong thời gian qua đã lên tới con số hàng chục nghìn và chủ yếu vẫn liên quan tới việc sao chép băng đĩa, in sách lậu, chương trình máy tính; xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, và làm giả thực phẩm, quần áo, dược phẩm, mỹ phẩm, rượu…
Điều đáng nói hơn, trong khi các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đang gia tăng thì nhiều cá nhân, tổ chức và DN vẫn chưa nâng cao ý thức việc đăng ký các sáng chế để được nhận quyền lợi về SHTT. Đến nay, mới chỉ có 100.000 số lượng nhãn hiệu được đăng ký sáng chế với Cục. Con số này còn khiêm tốn nếu đem so sánh với 300.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Phạm Phi Anh cho biết thêm: SHTT có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội; với hoạt động nghiên cứu, triển khai, chuyển giao công nghệ, đầu tư. Ngày nay, SHTT đã trở thành một loại tài sản vô hình nhưng lại có giá trị rất đáng kể nếu DN biết khai thác một cách hiệu quả và tạo nên danh tiếng của mình. Chẳng hạn, ở Mỹ tài sản trí tuệ đã chiếm 70% tổng tài sản của các DN, ở Nhật Bản con số này là 45,2%.
Tập đoàn Microsoft có tài sản trí tuệ chiếm 97,8% tổng kết cấu giá trị. Tại Việt Nam, SHTT của nhãn hiệu kem đánh răng P/S năm 1996 có giá trị 5 triệu USD; giống lúa mới TH3-3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm có giá trị 10 tỷ đồng (năm 2008)…
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng cho rằng: Quyền SHTT là công cụ đắc lực phục vụ cho sự phát triển của các DN. Tài sản trí tuệ của DN có vị trí không nhỏ trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi vấn đề này được chú trọng và khai thác một cách tối ưu sẽ giúp các DN nâng cao vị thế, uy tín và khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các DN Việt Nam phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với những yêu cầu chặt chẽ về thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp, vì vậy việc nâng cao ý thức coi trọng quyền SHTT, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực trong kinh doanh của DN, nhất là các DN vừa và nhỏ.
Xử lý thiếu mạnh tay
Theo ông Trần Việt Hùng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền SHTT, một phần do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ hết tầm quan trọng của việc đăng kí SHTT và công tác truyền thông chưa thật tốt, nhưng mặt khác quan trọng hơn đó là hệ thống tòa án của Việt Nam chưa sẵn sàng xử lý những vụ vi phạm về quyền SHTT. Nhiều vụ tranh chấp quyền sở hữu qua nhiều năm vẫn chưa ngã ngũ, ngành chức năng vẫn “bối rối” trong việc đưa ra kết luận xử lý.
Mặc dù, theo ông Phạm Phi Anh: Hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và là một hệ thống pháp luật hiện đại (theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế). Tuy nhiên, ông Anh cũng thừa nhận, vẫn cần hoàn thiện hơn để hệ thống này có thể vận hành một cách trơn tru và có hiệu quả, đặc biệt là việc áp dụng pháp luật theo hướng có tính răn đe cao hơn.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã cho biết: Trong thời gian tới, khi trình Quốc hội bản sửa đổi một số điều của Luật SHTT, sẽ đề cập đến một số điều liên quan đến việc tăng mức xử phạt để nâng cao tính răn đe, thậm chí sẽ xem xét để giải quyết ở mức độ hình sự chứ không dừng lại ở xử phạt hành chính như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quân, việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về việc đào tạo và bảo hộ quyền SHTT là rất cần thiết và không nên chỉ triển khai trên diện rộng và rất cần sự bắt tay chặt chẽ từ nhà quản lý đến các DN và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ thêm: Hiện các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam đang đối mặt với khó khăn như khó tiếp cận được với công nghệ mới, khó tiếp cận nguồn tín dụng để đầu tư vào công nghệ cũng như các công cụ, diễn đàn để trao đổi, chia sẻ công nghệ với các đối tác. Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh thực thi hoạt động thực thi quyền SHTT, cũng cần nâng cao năng lực cho các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, để họ có công nghệ tốt hơn, sản xuất ra hàng hóa chất lượng tốt, có giá cạnh tranh.