Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường, ông Nguyễn Đăng Vang cho biết, dự thảo Luật An toàn thực phẩm không cho phép bỏ qua việc kiểm soát những lô hàng hóa qua cửa khẩu có giá trị dưới 2,5 triệu đồng. Việc này sẽ hạn chế được việc nhập khẩu thực phẩm kém chất lượng vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Đăng Vang. Ảnh: Diệu Thanh
Ông đánh giá như thế nào về việc nhập khẩu thực phẩm kém chất lượng qua đường tiểu ngạch ở một số khu vực biên giới đang diễn biến phức tạp. Khi Luật An toàn thực phẩm đi vào cuộc sống, liệu có thể phần nào khắc phục tình trạng này?
Đây là vấn đề còn tồn tại. Tháng 3/2009, khi chúng tôi khảo sát tại một số cửa khẩu, thấy một số người dân có thể tự chở hàng hóa với trị giá khoảng 2,5 triệu đồng từ bên kia biên giới vào nước ta mà không cần phải đóng thuế.
Nhìn từ cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn, trong một ngày có khoảng 1.300 người mang hàng hóa vào Việt Nam mà thực tế không kiểm soát gì. Cửa khẩu thuộc tỉnh An Giang, người dân cũng mang hàng từ Campuchia về Việt Nam, hay từ cửa khẩu Lao Bảo - tỉnh Quảng Trị cũng tương tự, không hề có ai kiểm soát hàng hóa và họ cho rằng hàng ít thì đơn giản.
Ta thử tưởng tượng với 2,5 triệu đồng là chất phụ gia thực phẩm thì rất lớn và ta không biết là cái gì bên trong. Do vậy, Luật An toàn thực phẩm lần này không đồng tình về việc bỏ qua kiểm soát hàng hóa như trên đi qua cửa khẩu. Điều đó có nghĩa là, bất cứ một sản phẩm nào là thực phẩm, đi qua cửa khẩu đều phải được kiểm soát.
Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đề cập về hàng rào kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu kém chất lượng, việc này có khả thi trong lĩnh vực nhập khẩu thực phẩm? Nếu không thì có biện pháp nào quản lý chất lượng thực phẩm nhập khẩu, thưa ông?
Rất tiếc, trong thời gian qua, chúng ta không đưa ra được một quy chuẩn nào mang tính chất pháp lý, để làm hàng rào kỹ thuật.
Có một số quy định trong tiêu chuẩn cũ về chất lượng hàng hóa, nhưng dàn trải về mặt quản lý ở nhiều Bộ khác nhau. Ví dụ, về lĩnh vực thực phẩm như thịt, rau do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định và quản lý. Một số loại thực phẩm khác lại được do Bộ Công thương quy định và quản lý, một số khác lại thuộc chức năng quản lý của Bộ Y tế. Từ đây dẫn đến việc xử lý vi phạm không kịp thời và chính những vấn đề đó làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa đưa vào nước ta. Một số sản phẩm khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm lại không có trang thiết bị để kiểm tra nhanh xem nó có gì trong đó.
Việc đầu tư trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm cũng còn rất yếu kém. Luật lần này khẳng định vấn đề đó phải được giải quyết.
Với Dự thảo Luật An toàn thực phẩm, chế tài xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm có đủ sức răn đe không, thưa ông?
Chế tài để xử phạt trong dự thảo Luật không đưa ra cụ thể, bởi đã có các luật khác quy định. Trong quá trình nghiên cứu Luật An toàn thực phẩm, chúng tôi nhận thấy việc xử phạt trung bình của 5 năm trở lại đây cho mỗi vụ vi phạm là 540.000 đồng. Đây là con số duy nhất, để tổng kết cho hàng triệu lần cộng lại tất cả các hình thức phạt. Trong khi đó, việc xử phạt liên quan đến lĩnh vực thủy sản quy định có thể xử phạt 10-15 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Một quy định khác của Bộ Y tế có thể xử phạt 3-5 triệu đồng/trường hợp vi phạm.
Hiện nay, theo quy định mới có thể phạt tới 500 triệu đồng và nếu như theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, có thể phạt tới gấp 5 lần giá trị của sản phẩm vi phạm và tịch thu sản phẩm đó.
Ví dụ, một doanh nghiệp có lô sản phẩm trị giá 2 tỷ đồng bán ra thị trường và vi phạm, họ sẽ bị tịch thu và có thể bị phạt gấp 5 lần giá trị lô hàng, tức là 10 tỷ đồng. Điều đó cho thấy những hình thức phạt vi phạm hiện nay rất mạnh.
Tuy nhiên, chúng ta không dám phạt do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn do điều kiện thiếu thốn về nguồn nhân lực và trình độ chuyên môn hạn chế. Do vậy, trong Dự thảo Luật An toàn thực phẩm quy định tăng cường công tác đào tạo cán bộ, bố trí lực lượng cán bộ là điều quan trọng số một.
Trước đây, lực lượng thanh tra gần như không có. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có 3 cán bộ chuyên ngành cho chất lượng quản lý chất lượng nông-lâm sản và thủy sản. Bộ Y tế có 12 người, còn các tỉnh chỉ có ½ người phụ trách riêng về vấn đề thanh tra, kiểm tra. Nhiều cán bộ không nắm được vấn đề và chỉ xử phạt có hơn 500.000 đồng/một lần vi phạm, trong khi Luật quy định phạt từ 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng và có thể tăng gấp 5 lần giá trị sản phẩm vi phạm, hoặc tới 500 triệu đồng như tôi đã nêu ở phần trên.