Ngày 29-1-2010, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư (XTĐT) qui mô lớn nhất từ trước tới nay. Có 116 dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư (VĐT) 192.035 tỷ đồng (tương đương 10,6 tỷ USD), trong đó có 10 dự án (DA) đã và đang nghiên cứu đầu tư với tổng VĐT 96.450 tỷ đồng và 106 DA kêu gọi đầu tư với tổng VĐT 95.585 tỷ đồng tập trung ở nhiều lĩnh vực: công nghiệp có 22 DA, đô thị và khu dân cư 18 DA, du lịch 14 DA, thương mại - dịch vụ 21 DA, nông nghiệp 5 DA, giao thông 10 DA, xã hội 10 DA và môi trường 6 DA. Nhân dịp này, Báo Công an TPHCM có loạt bài phản ánh về những tiềm năng và triển vọng cũng như những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang trong việc xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư đến đánh thức tiềm năng của vùng đất này.
Thành phố Mỹ Tho nằm êm đềm bên dòng sông Tiền hiền hòa với nhiều tiềm năng
Bài 1: Đón đầu ở cửa ngõ phía tây thành phố
Tiền Giang nằm trên bờ bắc của sông Tiền với chiều dài 120km, là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa truyền thống đặc trưng sông nước Nam bộ. Có lợi thế là cửa ngõ giao thương của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TPHCM và cả nước, Tiền Giang còn là nơi có nhiều tiềm năng và cơ hội để các nhà đầu tư hướng đến. Tiền Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cách TPHCM 70km. Đây là địa điểm kết nối vùng ĐBSCL nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi. Về đường bộ có tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 69,1km đã đưa vào sử dụng, từ TPHCM đi Trung Lương chỉ mất 30 phút và tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được triển khai xây dựng. Song song với tuyến cao tốc này là Quốc lộ 1A đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang dài hơn 100km từ Tân Hương (giáp ranh Long An) đến cầu Mỹ Thuận. Quốc lộ 50 bắt đầu từ cầu Nhị Thiên Đường, quận 8, TPHCM đi qua huyện Cần Giuộc, huyện Cần Đước (tỉnh Long An), huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo và kết thúc tại thành phố Mỹ Tho. Từ TPHCM đến thị xã Gò Công là 52km và từ thị xã Gò Công - Mỹ Tho 42km. Trên quốc lộ này có phà Mỹ Lợi qua sông Vàm Cỏ nối Long An và Tiền Giang. Cầu Mỹ Lợi đã được khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2013. Quốc lộ 50 cùng với Quốc lộ 60 tạo nên tuyến đường duyên hải song hành với Quốc lộ 1A đi qua các tỉnh miền Tây Nam bộ. Quốc lộ 60 từ ngã ba Trung Lương qua cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền nối thành phố Mỹ Tho với thành phố Bến Tre, từ Bến Tre đi Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng rất gần. Đường thủy có sông Tiền chảy ra biển Đông, sông Vàm Cỏ giáp với tỉnh Long An, tuyến đường thủy quốc tế từ TPHCM đi Campuchia qua kênh Chợ Gạo dài 28,5km đang được đầu tư nâng cấp mở rộng với tổng vốn trên 2.000 tỷ đồng. Đường biển từ huyện Gò Công Đông đến Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 40km. Bên cạnh đó là hệ thống mạng lưới viễn thông hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc cùng với điện lưới quốc gia đến toàn bộ các xã, phường, thị trấn. Nước sạch cung cấp đủ cho sản xuất và sinh hoạt cả hiện tại và tương lai nhờ dự án BOO xây dựng Nhà máy nước Bình Đức công suất 90.000 m3/ngày đêm sắp hoàn thành và dự án nước sạch khu vực Gò Công đang được triển khai.
Với diện tích tự nhiên 2.481,8km2, dân số 1.670.216 người, tỷ lệ đô thị hóa 14,94%, Tiền Giang hiện có chín đô thị: Mỹ Tho, Gò Công, Cai Lậy, Cái Bè, Mỹ Phước, Tân Hiệp, Chợ Gạo, Vĩnh Bình, Tân Hòa. Trong đó, thành phố Mỹ Tho là đô thị loại II, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh đồng thời là trung tâm du lịch và giao thông vận tải của vùng ĐBSCL. Thành phố Mỹ Tho vừa được mở rộng địa giới hành chính lên 8.154 héc-ta, dân số 204.142 người với 11 phường và 6 xã. Thị xã Gò Công là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực phía đông của tỉnh, gắn liền với sự phát triển kinh tế vùng ven biển và là cửa ngõ nối liền với TPHCM theo Quốc lộ 50 và chịu tác động thuận lợi của Khu công nghiệp Hiệp Phước (TPHCM). Thị trấn Cai Lậy nằm trên Quốc lộ 1A cách thành phố Mỹ Tho 30km về hướng tây - tây bắc, là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội khu vực phía tây của tỉnh.
Cầu Rạch Miễu nằm trên tuyến Quốc lộ 60, bắt qua sông Tiền nối liền hai tỉnh Tiền Giang - Bến Tre
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt, Tiền Giang sẽ phát triển thêm 9 đô thị mới: An Hữu, Thiên Hộ, Mỹ Phước Tây, Vĩnh Kim, Long Định, Phú Mỹ, Bình Đức, Lương Hòa Lạc và Vàm Láng. Hiện tại tỉnh đang tập trung chỉnh trang, nâng cấp phát triển các đô thị hiện có để làm đầu tàu cùng các đô thị khác sắp được hình thành góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cho sự chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư tìm hiểu và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nhà ở. Tiền Giang hiện có các khu công nghiệp đã được triển khai xây dựng để phát triển công nghiệp như: Khu công nghiệp Mỹ Tho diện tích 79,14 héc-ta đã lấp đầy; Khu công nghiệp Tân Hương huyện Châu Thành diện tích 197 héc-ta đã hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng hiện có 14 nhà đầu tư đến thuê đất; Khu công nghiệp Long Giang huyện Tân Phước diện tích 540 héc-ta; Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí huyện Gò Công Đông diện tích 1.000 héc-ta; Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp huyện Gò Công Đông diện tích 285 héc-ta và các cụm công nghiệp: Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Gia Thuận - Tân Phước...
Sông Chợ Gạo
Nhiều du khách quốc tế chọn Tiền Giang là điểm đến để tham quan du lịch
Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, Tiền Giang đã trở thành nơi sản xuất lúa và nhiều loại cây trái miệt vườn nổi tiếng có giá trị xuất khẩu cao như: xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Ngũ Hiệp, cam, quít, bưởi, vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim, sơri Gò Công... Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, Tiền Giang còn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc, anh hùng cách mạng với các chiến tích lẫy lừng vì sự nghiệp bảo vệ đất nước như: Trương Định, Thủ Khoa Huân, Lê Thị Hồng Gấm... Trên quê hương Tiền Giang còn có địa danh Gò Thành nằm trong di chỉ khảo cổ Óc Eo cách đây 15 thế kỷ. Cảnh quan phong phú với những lăng mộ, đền chùa, đình miếu vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn hóa như: lăng Trương Định, lăng Hoàng Gia, đền thờ Thủ Khoa Huân, chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng... và nhiều khu, điểm du lịch đang được đầu tư phát triển như: khu du lịch cù lao Thới Sơn, biển Tân Thành, khu du lịch chợ nổi Cái Bè, khu di tích chiến thắng Ấp Bắc, Rạch Gầm Xoài Mút, Trại rắn Đồng Tâm... Cùng với không khí trong lành thoáng mát của vùng sông nước ĐBSCL, miệt vườn Tiền Giang còn là nơi tổ chức khai thác các hoạt động du lịch xanh như: cồn Cổ Lịch, Tân Phong, Ngũ Hiệp, Thới Sơn, Tân Long, Cồn Ngang... Tất cả các lợi thế đó đã tạo nên cơ hội và tiềm năng cho hoạt động du lịch, tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách theo hướng du lịch sinh thái, du lịch lịch sử - văn hóa và lễ hội dân gian.
Trong giai đoạn hiện nay, Tiền Giang có nhiều lợi thế để mở rộng, phát triển thêm các khu công nghiệp, khu đô thị mới nhằm phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ cho vùng cùng các dịch vụ cao cấp có liên quan. Với lợi thế này, Tiền Giang sẽ mở rộng khả năng hợp tác, liên kết kinh tế với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, là địa bàn thuận lợi để giải tỏa mật độ tập trung cao tại khu vực hạt nhân, đồng thời phát huy tác động đô thị hóa và công nghiệp hóa của hạt nhân TPHCM sang các tỉnh lân cận thuộc vùng ĐBSCL, nhất là khi các hành lang kinh tế phát triển mạnh. Để phát triển nhanh và bền vững, Tiền Giang đang đẩy mạnh đầu tư để từng bước, từng ngày chuyển mình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiền Giang đã tiến hành xây dựng nhiều quy hoạch, chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khu dân cư, khu đô thị mới, các khu du lịch và nhiều lĩnh vực khác nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư.