Thời gian qua, Việt Nam được xem là một trong những địa chỉ hấp dẫn về thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng bên cạnh những con số ấn tượng về đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết.
Đại diện EuroCham phát biểu tại hội thảo-Ảnh:Chinhphu.vn
Chất lượng chưa tương xứng với số lượng
Tính từ năm 2001-2009, cả nước có 8.476 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 124,4 tỷ USD.
Tại Hội thảo " Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế " do Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam đồng tổ chức ngày 21/5, tại Hà Nội, đại diện EuroCham ( Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam) cho rằng, với sự ổn định chính trị cao so với các nước trong khu vực, Việt Nam được các nhà đầu tư tin tưởng và các luồng vốn đang chuyển dịch vào Việt Nam nhiều hơn.
Mặc dù vậy, đại diện Cục ĐTNN- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thẳng thắn thừa nhận: Dù ĐTNN đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội đất nước, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế. Không kể đến ý nghĩa gián tiếp (như tạo công ăn việc làm...) thì mức đóng góp lượng hóa là khoảng hơn 10 tỷ USD vào ngân sách thật sự chưa tương xứng với số vốn đầu tư.
Một số DN ĐTNN gây ô nhiễm môi trường, hoặc nhập khẩu những công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, không có sự chuyển giao công nghệ nguồn cho Việt Nam.
Ngược lại những dự án công nghiệp phụ trợ, khu công nghệ cao lại thu được những kết quả khiêm tốn. Nhiều khu công nghiệp còn chưa lấp đầy, Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chỉ ở dạng ”tiềm năng”. Những mặt hàng xuất khẩu ở nước ta chủ yếu vẫn là gia công, giá trị gia tăng rất thấp.
Với những dẫn chứng cụ thể, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN Việt Nam cho biết: hiện tại có quá nhiều dự án xi măng quy mô lớn ở các địa phương, trong vài năm nữa sản lượng xi măng sẽ dư thừa so với nhu cầu trong nước 20%-30%, trong khi cạnh tranh thị trường xi măng quốc tế rất khó khăn. Nhiều dự án sắt thép, đặc biệt là các dự án bất động sản, vốn đăng ký quy mô hàng tỷ USD, nhưng mới chỉ đưa vào Việt Nam khoảng 10%, còn lại vay ngân hàng trong nước, huy động vốn theo phương thức ”bán lúa non”...
Có nhiều nguyên nhân của sự hạn chế đó, trong đó có việc nhiều địa phương nóng vội trong thu hút ĐTNN, thiên về lợi ích trước mắt mà chưa tính đến vấn đề chiến lược, thu hút đầu tư một số nơi còn chạy theo số lượng mà thiếu quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến các cân đối tổng thể của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, vai trò điều phối, kiểm soát, hướng dẫn trên toàn quốc của các Bộ, ngành chức năng còn những hạn chế nhất định, thiếu các quy hoạch hoặc quy hoạch không cụ thể, chưa kết hợp hài hòa giữa lợi ích của địa phương với lợi ích tổng thể của quốc gia.
Cần có chiến lược, giải pháp đồng bộ quản lý ĐTNN
Ông Đỗ Đức Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN cho rằng để khắc phục những hạn chế trên, cần có những nhóm giải pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn về chất lượng ĐTNN như: những giải pháp về pháp luật, chính sách, giải pháp về quy hoạch, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện nguồn nhân lực, quản lý nhà nước, xúc tiến đầu tư.
Cụ thể là cần ban hành các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng công trình phúc cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...chấm dứt hiện tượng các tỉnh ưu đãi tràn lan, đua nhau thu hút vốn, phát triển nhiều lĩnh vực trùng lắp, không theo một quy hoạch tổng thể vùng và quốc gia.
Thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân; không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, kể cả đất khu công nghiệp.
Các Bộ, ngành cần nâng cao vai trò trong khâu thẩm định dự án, có những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật để ngăn chặn các dự án công nghệ lạc hậu và tác động xấu đến môi trường, có chiến lược thông qua các dự án FDI để nâng cao năng lực công nghệ quốc gia.
Các đầu mối quản lý ĐTNN thường xuyên tiến hành rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn, kiên quyết xử lý rút giấy phép đối với những dự án chậm tiến độ, hoặc đầu tư thiên về tính chất trục lợi cá nhân, hiệu quả kinh tế xã hội kém.
Các ý kiến đại biểu cho rằng năng lực quản lý ĐTNN tại một số địa phương còn kém. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn về năng lực ra quyết định của từng địa phương để điều chỉnh sự quản lý.