Ít ngày sau phiên họp của các nhà tài trợ tại Kiên Giang, báo chí nước ngoài dồn dập đăng bài đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam, với những lời nhận xét khá tích cực.
Nhân công giá rẻ, song tay nghề chưa cạnh tranh. Ảnh: BBC
Trung Quốc và Ấn Độ được coi là điểm đến cho các dòng vốn đầu tư vào châu Á. Tuy nhiên, theo Bloomberg, làn sóng đình công và áp lực tăng lương tại hai quốc gia này đang khiến các nhà đầu tư dần chuyển hướng tìm địa chỉ hấp dẫn hơn. Và Việt Nam có thể là một lựa chọn thay thế.
"Chúng tôi rẻ hơn - rẻ hơn rất nhiều", ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc FPT - một công ty IT và phân phối điện thoại di động với doanh thu 1 tỷ USD nói. Theo ông Nam, Việt Nam đã sẵn sàng cạnh tranh trong cuộc đua hút vốn ngoại. "Chúng tôi đang nỗ lực để trở thành người đi đầu", ông Nam nói thêm.
Trước đây, các nhà đầu tư từng nghe điều tương tự từ Việt Nam, nhưng rồi họ phải ra đi trong thất vọng. Ngay sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1994, làn sóng các doanh nghiệp ngoại quốc như Coca-Cola hay Procter & Gamble đổ bộ vào Việt Nam. Nhưng cơn sóng sớm tan trước tệ quan liêu, tham nhũng.
Ngày nay, Hà Nội đang bứt phá đi lên. Chính phủ đang nỗ lực giảm thuế và cam kết nâng cấp đường sá, cầu cảng. Chủ trương xây nhà máy điện hạt nhân đã được thông qua, Việt Nam còn bàn tới kế hoạch làm đường sắt cao tốc. Các nhà lãnh đạo cũng quyết tâm đẩy lùi tệ quan liêu nhằm trấn an giới đầu tư.
Theo CNN, việc Diễn đàn Kinh tế Thế giới chọn TP HCM để tổ chức hội nghị về chủ đề Đông Á năm nay là một ví dụ cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Ban tổ chức lúc đầu chỉ hy vọng mời được 250-300 doanh nhân, nhưng thực tế hơn 400 người khắp nơi trên thế giới đã tới tham dự.
Các quan chức Chính phủ gần đây cũng khá năng động. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công du khắp nơi để tìm kiếm cơ hội và bàn chuyện hợp tác làm ăn. Ông muốn Việt Nam trở thành địa điểm sản xuất mới của châu Á, sau Trung Quốc.
Tuyên bố này nghe có vẻ khó tin, bởi thực tế Việt Nam vẫn được xem là xưởng sản xuất các mặt hàng ít giá trị gia tăng như dệt may, da giày hay nội thất. Nhưng mọi thứ đang thay đổi theo thời gian. Cả Samsung và Canon đã đầu tư mạnh tay cho hoạt động sản xuất đồ điện tử nơi đây. Phần lớn các nhà sản xuất ôtô lớn của châu Á và cả Ford của Mỹ đều coi đây là căn cứ địa, trước mắt là phục vụ thị trường nội địa, về lâu dài sẽ đẩy mạnh xuất khẩu.
Năm 2008, cam kết FDI vào Việt Nam đạt kỷ lục 70 tỷ USD, tăng gấp 3 lần 5 năm trước. Kết quả trong năm ngoái chỉ còn 20 tỷ USD, song điều này không quá tệ nếu xét tới bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể tăng gấp đôi trong năm nay, đạt mức 15 tỷ USD.
Mùa thu này, nhà máy lắp ráp và kiểm định chip bán dẫn với số vốn đầu tư 1 tỷ USD của Intel sẽ khánh thành và đi vào hoạt động gần TP HCM. Compal, hãng sản xuất laptop Đài Loan cũng mới xây một nhà máy tại Việt Nam. Arthur Chiao, Chủ tịch Tập đoàn Điện tử và Điện dân dụng Đài Loan cho biết đang giúp đỡ các doanh nghiệp đồng hương mở nhà máy mới tại Việt Nam trong bối cảnh chi phí nhân công tại Trung Quốc gia tăng.
Tom Schneider, một doanh nhân Mỹ, vừa đầu tư 12 triệu USD xây nhà máy thuộc da ở khu công nghiệp ngoại thành TP HCM. Trong vòng 16 năm qua, anh xây 8 nhà máy khác nhau ở châu Á. Riêng Việt Nam, từ khâu tìm địa điểm, xây nhà máy và đào tạo nhân lực - anh chỉ mất 22 tháng, dự án có thời gian triển khai nhanh nhất từ trước tới nay. Giờ đây mỗi tháng nhà máy xuất xưởng một lượng da đủ để làm 1,5 triệu đôi giày. Timberland là khách hàng lớn nhất của anh.
Lý do để Tom chuyển tới Việt Nam trước hết là chi phí thấp. Lương trả cho lao động phổ thông của Việt Nam hiện chỉ bằng 60% lao động Trung Quốc. Nhiều khách hàng của Tom cũng đã có mặt hoặc ở gần Việt Nam. Sự can thiệp của nhà nước với hoạt động kinh doanh đã giảm bớt, điều mà Tom cho là tiêu chí quan trọng để đánh giá môi trường làm ăn.
Về lâu dài, Việt Nam sẽ là bàn đạp để các nhà đầu tư tiến tới thị trường rộng lớn mà nhân công cũng rẻ không kém là Campuchia và Lào.
BBC cũng cho rằng lực lượng lao động trẻ của Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn. Cách Hà Nội chừng 90 phút lái xe là Khu Công nghiệp Quế Võ với những văn phòng rộng rãi, hiện đại, được xây dựng và bố trí theo những mục tiêu khác nhau. Khu này nằm tại tỉnh Bắc Ninh, trung tâm công nghiệp mới của Việt Nam.
Phó Giám đốc Khu Công nghiệp Quế Võ, bà Nguyễn Thu Hương tỏ ra lạc quan: "Chúng tôi có 50 công ty nước ngoài ở đây, chủ yếu hoạt động trong các ngành công nghệ cao... các hãng từ Triều Tiên, Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản."
Trong năm 2008, hãng Canon của Nhật đã chọn Quế Võ để đặt nhà máy sản xuất máy in laser và đây là nhà máy lớn nhất trên thế giới của Canon. Hãng này cũng đang xây thêm nhà máy thứ hai tại khu công nghiệp gần Quế Võ. Ở ngay gần Canon là Foxconn, một hãng quốc tế khác. Gần đây, hãng điện tử của Đài Loan phải cam kết tăng gấp đôi mức lương tại nhà máy chính ở Thẩm Quyến, Trung Quốc sau một loạt các vụ tự tử của công nhân.
Việt Nam đã tăng lương tối thiểu ở các công ty nước ngoài lên 28% trong năm nay. Đây là lần tăng đầu tiên trong sáu năm, nhưng nó cũng chỉ đưa lương lên ngang với mức của Campuchia. Lương trung bình ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với Thái Lan và Trung Quốc. Thu nhập của công nhân nhà máy ở Việt Nam chỉ bằng hai phần ba mức của công nhân Trung Quốc.
Những công ty như Foxconn, hãng chuyên lắp ráp các thiết bị điện tử và điện thoại cho những công ty lớn trong đó có Apple và Sony, đang có mức lợi nhuận rất thấp. Họ dựa vào nguồn nhân lực dồi dào để có số lượng sản phẩm đầu ra lớn nhằm kiếm tiền lời.
Ông Toh Poh-Heng là Tổng Giám đốc của một hãng Đài Loan khác, Lovely Creations. Đồ chơi từ xưởng của ông cuối cùng sẽ xuất hiện tại các hãng bán lẻ giá rẻ như Walmart hay Family Dollar. Toh Poh-Heng cho biết lương tại các khu sản xuất quanh vùng duyên hải của Trung Quốc, chẳng hạn Ninh Phố, nơi ông có nhà máy chính, đã tăng từ 15-20% trong năm nay. Lợi nhuận của công ty đã giảm đi một nửa trong năm năm qua. Nhiều đối thủ cạnh tranh của ông đã phá sản.
"Lựa chọn cuối cùng của chúng tôi là chuyển sản xuất tới những nơi có giá thấp hơn như Indonesia hay Việt Nam", ông nói.
Nhưng lương thấp không phải là điều hấp dẫn duy nhất ở Việt Nam. Jeffrey Joerres, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn tuyển dụng lao động lớn thứ nhì thế giới, Manpower, tháng này có chuyến thăm đầu tiên tới TP HCM. Ông Joerres rất quan tâm tới Việt Nam, nước có một nửa dân số dưới tuổi 30. Theo ông, các công ty có thể có kế hoạch dài hạn ở đây.
"Nếu năm năm, hay 10 năm sau tôi tới đây, tôi thực sự có thể làm việc với những người ở độ tuổi 20, 30 này. Họ sẽ có cái nhìn cởi mở đối với cách chúng tôi kinh doanh, cách các công ty phương tây và cả phương đông làm việc", ông nói.
Nhưng năng suất lao động ở Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc và thậm chí còn giảm đi trong năm ngoái. Nhiều ngành ở Việt Nam phụ thuộc vào một nhóm tương đối nhỏ lao động có tay nghề, chẳng hạn ngành đồ gỗ hay may mặc thủ công. Những nhà máy lớn và hiện đại như ở Quế Võ vẫn chiếm số ít.
Một bất lợi lớn nữa ở Việt Nam là cơ sở hạ tầng. Tại Hà Nội, mạng dây điện treo lơ lửng trên các cột trên phố. Đường sá nhỏ và không bằng phẳng. Các hải cảng nhỏ và không được cơ giới hóa.
Giám đốc Gianfranco Lanci của Acer nói ông sẽ không chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Không có gì có thể thay thế được chuỗi dây chuyền sản xuất của Trung Quốc", ông nói.