Theo đề xuất của Văn phòng Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII (dự kiến tổ chức trong tháng 7.2011), Quốc hội sẽ thực hiện giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề; và Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế và quản lý thuế.
Cũng trong năm 2011, theo đề xuất của Văn phòng Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẽ thực hiện giám sát Việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
“Đất đai là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm nên những năm gần đây, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành giám sát nhiều nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai, như giám sát Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai (năm 2006); Việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi (năm 2007), vì vậy chưa nên đưa nội dung này vào Chương trình giám sát năm 2011 của Quốc hội”, Chủ nhiệm Uỷ ban Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Việc chưa nên giám sát công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, theo ông Hiển còn có lý do là Chính phủ cũng đã có ý định sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2003, vì vậy, khi thực hiện xây dựng Dự án Luật đất đai mới, Chính phủ và Thường vụ Quốc hội sẽ có đánh giá đầy đủ, toàn diện 10 năm triển khai Luật đất đai năm 2003.
“Thay vì giám sát 3 nội dung trên, Quốc hội nên dành thời gian để giám sát những vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản”, ông Hiển đề nghị.
Cũng theo đề xuất của ông Hiển, để thực hiện giám sát chuyên sâu, Quốc hội nên giao cho Uỷ ban Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thực hiện giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế và quản lý thuế còn Uỷ ban Kinh tế thực hiện giám sát Việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn của PVN.
Năm 2009, Quốc hội đã tổ chức giám sát Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và đã đưa ra nhiều kiến nghị về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đối với tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, việc Vinashin làm ăn thua lỗ, sử dụng vốn không hiệu quả dẫn đến nợ đọng lớn, mất khả năng thanh toán, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế-xã hội đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân về vai trò chủ đạo của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tạo sự hoài nghi ngoài Vinashin liệu có xảy ra tình trạng tương tự ở các tập đoàn, tổng công ty khác hay không.
Trong khi đó, PVN là một tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, sử dụng nguồn vốn rất lớn (vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn bảo lãnh của Nhà nước) với nhiều loại hình kinh doanh, có tham gia đầu tư lớn ở ngoài nước vì vậy, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, thay vì tổ chức giám sát PVN thì giao cho Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với PVN.
“Kiểm toán Nhà nước có đủ nhân lực, kinh nghiệm để kiểm toán PVN nhằm làm rõ hơn thực trạng hoạt động của một đơn vị kinh tế nhà nước cụ thể từ đó, có những nhìn nhận đúng hơn về hoạt động của kinh tế nhà nước, góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật có liên quan; giải đáp về sự lo lắng của người dân về một vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước”, ông Kiên nhấn mạnh.
Không đồng tình với đề xuất của Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, năm 2011, Quốc hội hoặc Thường vụ Quốc hội nên thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về khuyến khích đầu tư nước ngoài.
“Trước đây do thiếu vốn, chúng ta khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những ngành nghề thu hút nhiều lao động, khai thác tài nguyên, khoáng sản… mà chưa chú trọng đến việc khuyến khích vào những lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng bây giờ “vị thế” của Đất nước đã khác xưa, song các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chỉ tập trung vào lĩnh vực bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, sử dụng công nghệ lạc hậu. Quốc hội hoặc Thường vụ Quốc hội cần phải tổ chức giám sát chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài để đưa ra chính sách, cơ chế định hướng thu hút đầu tư trong giai đoạn tới”, ông Thuận nêu quan điểm.
Việc tổ chức giám sát chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, theo ông Thuận còn để trả lời câu hỏi đã được dư luận và báo chí đặt ra từ lâu: “Tại sao tỷ lệ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại thua lỗ lớn hơn doanh nghiệp trong nước rất nhiều (khoảng 70% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất - kinh doanh thua lỗ), nhưng có rất nhiều doanh nghiệp thua lỗ vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư”.
“Theo quy định thì các liên doanh khi thoái vốn phải ưu tiên bán cổ phần cho đối tác trong nước, nhưng trên thực tế, các đối tác trong nước không những không tăng được tỷ lệ cổ phần trong liên doanh mà sau 1 thời gian hoạt động phải rút vốn do liên doanh thua lỗ, đối tác trong nước không có tiền để đóng góp tiếp vào liên doanh. Vì vậy cần phải tổ chức giám sát lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài”, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đồng tình.
Vẫn theo ông Vượng, lĩnh vực khuyến khích đầu tư nước ngoài rất phức tạp, cần phải có thời gian nghiên cứu, khảo sát trước khi tiến hành giám sát. “Quốc hội Khoá XIII sẽ được bầu vào tháng 5/2011 vì vậy nên dời nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư nước ngoài sang năm 2012”, ông Vượng kiến nghị.