Mặc dù chưa lấp đầy các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) nhưng qua thống kê 20 năm hoạt động, Ban Quản lý Các KCX-KCN TPHCM (Hepza) cho thấy hiệu quả to lớn của từng hécta đất về kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, thu nộp ngân sách... Giờ đây, Hepza còn giữ nhiệm vụ điều chỉnh nguồn vốn đầu tư, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo chủ trương của TP.
Chế biến thực phẩm xuất khẩu tại KCN Hiệp Phước (TPHCM). Ảnh: Cao Thăng
Chuyển dịch cơ cấu ngành nghề
5 mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đề ra đối với Hepza là thu hút vốn đầu tư; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các vùng ngoại thành.
Trong những năm qua bằng sự nỗ lực sáng tạo của mình, Hepza đã mang lại nhiều kết quả to lớn cho TP. Cụ thể, tính đến nay, tổng vốn đầu tư tại các KCX-KCN TP đạt 7,7 tỷ USD, bao gồm vốn đầu tư của dự án sản xuất công nghiệp, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp. Do ban đầu chúng ta chưa điều chỉnh được nguồn vốn đầu tư nên nhiều dự án công nghệ thâm dụng lao động, gia công đầu vào chiếm ưu thế, nhưng sau đó, TP đã kịp lèo lái con thuyền đầu tư đi đúng hướng. Kết quả cơ cấu ngành nghề đầu tư trong 20 năm qua cho thấy, tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhất là ngành điện – điện tử (37,89%) đến cơ khí (11,39%), những ngành thâm dụng lao động chiếm tỷ trọng thấp hơn là dệt may (11,3%), hóa nhựa (9,93%)…
Những năm gần đây các nhà đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, để sản xuất các sản phẩm có độ chính xác, trong các lĩnh vực điện tử, cáp quang, vi mạch, bán dẫn, pin năng lượng mặt trời với những thương hiệu nổi tiếng như Furukawa, Nikkiso, Saigon Precision, Chubu Rika, Nidec Tosok, Nissei Electric, First Solar...
Ngoài ra, một số nhà đầu tư bắt đầu đi vào công nghệ cao, nghiên cứu thiết kế con chíp, phần mềm điện toán. Nếu so với năm 2006 những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật thấp chiếm tỷ trọng cao (như dệt may chiếm 12,9%, chế biến thực phẩm chiếm 12,4%) và những ngành có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao chiếm tỷ trọng thấp (điện - điện tử chỉ chiếm 11,8%, cơ khí 9,6%), đến năm 2011, cơ cấu ngành nghề đầu tư có sự chuyển dịch lớn, theo hướng thu hút tập trung vào các ngành công nghiệp chủ lực của TP. Cụ thể, những ngành chiếm tỷ trọng vốn đầu tư cao nhất trong năm 2011 là điện tử (25,47%), hóa nhựa (14,93%), cơ khí (13,12%), còn các ngành thực phẩm và dệt may “rớt” xuống còn khoảng 8%.
Các dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong Hepza cũng ăn nên làm ra. Nếu năm 1995 bình quân một dự án đầu tư là 4,1 triệu USD/dự án, sang năm 2006 tăng lên 4,96 triệu USD/dự án và đến nay là 8,32 triệu USD/dự án (gấp 1,67 lần so với năm 2006).
Kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 5,4 lần
Từ khi thành lập đến hết năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu của các KCX-KCN thành phố lũy kế đạt 42 tỷ USD. Riêng kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,53% kim ngạch xuất khẩu chung của toàn TP và chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của TP; nếu so với kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài toàn TP thì KCX-KCN chiếm tỷ lệ trên 60%. Sản lượng hàng hóa làm ra của các doanh nghiệp liên tục tăng. Cụ thể, giai đoạn 1996 - 2000, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,1 tỷ USD thì giai đoạn 2001 - 2005 đạt 6,9 tỷ USD (tăng 218%) và giai đoạn 2006 - 2010 đạt 14 tỷ USD, tăng 544% so với ban đầu. Như vậy, các KCX-KCN liên tục xuất siêu, tổng giá trị xuất siêu lũy kế nay khoảng 3,5 tỷ USD, góp phần cân đối ngoại tệ cho thành phố, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất.
Và một vấn đề quan trọng hơn nữa là hàng hóa các KCX-KCN xuất khẩu có độ lan tỏa đến 45 quốc gia trên thế giới (trong đó, thị trường Nhật 42,11%; kế đến EU 16,27%; Mỹ 15,44%; Trung Quốc 5,24%…). Hơn nữa, doanh nghiệp trong các KCX đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu các linh kiện sản phẩm của các tập đoàn kinh tế lớn như Nidec Tosok, Hitachi, Renesas, Toyota, Nike, Adidas…
Kết quả thu ngân sách ở các KCX-KCN đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách chung của TP. Năm 2010 số thu ngân sách từ các KCX-KCN TP đạt 3.129 tỷ đồng, tăng 490% so với năm 2005. Dự báo trong thời gian tới, tình hình thu ngân sách sẽ tiếp tục tăng trưởng khi thời gian ưu đãi, miễn giảm thuế của các dự án trong KCX-KCN không còn nữa.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới Hepza sẽ tập trung vận động thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ sạch, nguồn lao động có trình độ như các ngành điện tử - viễn thông - tin học, hóa chất - dược phẩm, cơ khí chế tạo, chế biến lương thực thực phẩm; xem trọng thu hút đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ phục vụ cho các ngành công nghiệp này. Đồng thời, đổi mới công tác thu hút đầu tư, phương thức xúc tiến đầu tư có chiến lược, tập trung vận động các tập đoàn lớn thuộc các ngành mũi nhọn, ưu tiên.
Theo thống kê của Hepza, qua 20 năm hình thành và phát triển, hiệu quả thu hút đầu tư tại các KCX-KCN được thể hiện trên một hécta đất cụ thể như sau: thu hút được khoảng 6,5 triệu USD vốn đầu tư, tạo ra 18 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động, nộp ngân sách 725 triệu đồng/ha/năm.