Theo Sở GTVT TP HCM, đến đầu năm 2011, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng trên địa bàn chỉ đạt khoảng 70 triệu tấn, giảm hơn 4% so với 75 triệu tấn năm 2009.
Nguyên nhân khiến hàng hoá về cảng tại TP HCM giảm sút là do lợi thế cảng biển TP HCM đang bị cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp đã chuyển hàng ra một số cảng tại Vũng Tàu, Long An. Lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu về các cảng Vũng Tàu tăng rất mạnh, đặc biệt là hàng container.
Có cảng, không có đường
Doanh thu từ lĩnh vực cảng biển ở TP HCM luôn nằm trong nhóm ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 12% một năm nhiều năm qua, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Trong chiến lược phát triển, logistic (dịch vụ cảng, giao nhận hàng, lưu kho bãi, làm thủ tục hải quan…) được xác định là ngành dịch vụ trọng tâm. Chính vì vậy, hàng loạt cảng biển lớn của thành phố đã được đầu tư, như: cảng Cát Lái (quận 2), cảng Phú Hữu (quận 9) và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Hiện định hướng phát triển đô thị của thành phố cũng đang mở rộng về hướng Đông, khi nơi đây có biển và sông lớn. Hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm cũng đã được thành phố xây dựng ở khu vực này để kết nối hệ thống cảng với các khu đô thị.
Tuy nhiên, gần đây, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng tại TP HCM sụt giảm nghiêm trọng. Ngoài lượng hàng về cảng đã giảm khoảng 4% so với năm 2009, theo dự báo, trong vài năm tới, lượng hàng hoá vận chuyển qua các cảng tại TP HCM sẽ giảm 50 – 70%. Điều đáng ngại nhất và ảnh hưởng lớn nhất đến việc hệ thống cảng của thành phố mất khách là do hệ thống hạ tầng quá tệ, không được đầu tư đồng bộ.
Điển hình như cảng Cát Lái, mặc dù đã đưa vào khai thác rất lâu, lượng hàng hóa về TP HCM hầu như tập trung hết vào cảng này, nhưng đến nay, tuyến đường liên tỉnh lộ 25B nối cảng Cát Lái với xa lộ Hà Nội để từ đây hàng hoá tỏa đi các nơi luôn trong tình trạng kẹt xe. Do tuyến đường này chậm mở rộng, nên có những đoạn chỉ có 2 làn xe, trong khi đó chốt giao thông Cát Lái vẫn chưa hoàn thành, khiến đường vào cảng thường xuyên tắc nghẽn.
Còn các cảng Phú Hữu, Hiệp Phước… mặc dù đã xây dựng xong, nhưng vẫn chưa thể khai thác được, vì chưa có đường dẫn vào cảng. Do trục đường đường Bắc - Nam (Nguyễn Hữu Thọ) rộng 60m, kết nối từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) vào cảng mà thành phố đầu tư chưa xong. Hay tại cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đến nay cũng không có đường vào cảng.
Việc kẹt đường đã khiến doanh nghiệp và cả các hãng tàu thiệt hại do chậm giải phóng hàng, cũng như đưa hàng lên tàu.
Đi trước về sau
Ngoài kẹt đường, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc công ty CP Tư vấn - Thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast), bất lợi lớn nhất của hệ thống cảng TP HCM hiện nay là luồng lạch của sông Lòng Tàu, Soài Rạp dẫn tàu vào các cảng không được nạo vét thường xuyên, nên không đón được tàu lớn, chỉ đón được tàu có tải trọng khoảng 30.000 tấn. Mức này quá nhỏ so với các tàu biển hiện nay có trọng tải lên đến hàng 100.000 tấn.
Trong khi các cảng của thành phố “lắc đầu” với những loại tàu có trong tải lớn, thì các tàu loại này có thể “vô tư” ra vào cụm cảng Thị Vải – Cái Mép, khi sức tiếp nhận tàu biển ở cụm cảng này gấp 8 - 9 lần cụm cảng tại TP HCM. Hiện cụm cảng này có nhiều cảng nước sâu có thể đón được tàu trên 100.000 tấn.
Ngoài ra, hiện nay khoảng 70% hàng hóa xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long phải thông qua các cảng ở TP HCM nhưng trong tương lai, khi luồng Định An vào cảng Cần Thơ được khơi thông, các tàu hàng trọng tải lớn sẽ về trực tiếp tại Cần Thơ mà không cần quá cảnh TP HCM, khi đó, lượng hàng hoá về cảng của thành phố sẽ còn giảm mạnh. Đó là chưa kể cảng quốc tế Long An, với vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD được đưa vào vận hành, có thể đón tàu lên đến 70.000 tấn sẽ càng khiến hệ thống cảng biển tại TP HCM thêm điêu đứng.
Theo Tổng Thư ký hiệp hội cảng biển Việt Nam, hiện nay, lượng hàng xuất nhập khẩu phát sinh lớn nhất vẫn ở TP HCM, nhưng quá nhiều hạn chế đã khiến các chủ tàu không còn mặn mà nên họ đã chuyển sang các cảng biển lân cận thông thoáng hơn. Trong thời gian tới, hệ thống cảng của TP HCM sức cạnh tranh sẽ càng giảm sút, khi tải trọng của các đội tàu vận tải quốc tế ngày càng lớn.
Để kéo được các đội tàu trở lại các cảng của thành phố và phát triển ngành logistic, hệ thống hạ tầng vào cảng cần được đầu tư đồng bộ, luồng lạch dẫn vào cảng phải được khơi thông. Ngoài ra, cũng cần đầu tư mạnh cho mạng lưới giao thông thuỷ, các cảng nội địa để trung chuyển hàng hoá, giảm áp lực cho đường bộ.