Một dự án du lịch trọng điểm, tạo điểm nhấn của khu vực, phù hợp với chủ trương của Chính phủ đang bị chính địa phương - nơi hưởng lợi xử sự thiếu trách nhiệm.
Để góp phần làm giàu đẹp quê hương, sau nhiều tháng ngày trăn trở, ông Nguyễn Văn Thiệu quyết định về Hà Tĩnh đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch sinh thái “trí tuệ xanh - đầu tư xanh - kinh tế xanh”. Từ năm 2001, sau nhiều lần khảo sát, tham khảo ý kiến của các sở, ban, ngành, đến năm 2003, sau khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, Khu du lịch sinh thái Đèo Con Vũng Áng chính thức được xây dựng. Tuy nhiên, đang đầu tư dang dở, chủ đầu tư bị “sốc” bởi Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng có ý định “phá” đi
Hành xử theo lối áp đặt?
Được sự ủng hộ cao của các sở, ban, ngành cũng như chính quyền các cấp ở địa phương, Dự án Khu du lịch sinh thái “trí tuệ xanh - đầu tư xanh - kinh tế xanh” ở Hà Tĩnh như một điểm nhấn du lịch của Miền Trung đã hình thành. Được xây dựng trên khuôn viên gần 15ha đất, ngoài khu vui chơi giải trí, còn có hàng chục ngôi biệt thự sang trọng, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Khu du lịch sinh thái Đèo Con. Đặc biệt, các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng đã đến thuê chỗ ăn ở, đặt văn phòng làm việc tại Khu du lịch với thời gian lâu dài.
Để Dự án “trí tuệ xanh - đầu tư xanh - kinh tế xanh” sớm đi vào hoạt động, Công ty cổ phần Tiến Kình đầu tư gần 150 tỷ đồng (bằng 1/3 kinh phí dự kiến ban đầu). Hiện có khoảng 135 người đang làm việc trên mọi lĩnh vực tại dự án. Thực hiện đúng lời hứa, Công ty đã nhận chủ yếu là con em nhân dân huyện Kỳ Anh với mức lương trung bình mỗi người không dưới 3 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng Công ty nộp khoảng 80 triệu đồng tiền điện và gần 25 triệu đồng cho cơ quan thuế.
Dự án đang “xuôi chèo, mát mái” thì đùng một cái, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng “đòi” thu hồi lại đất để dùng làm nơi tái định cư cho dự án khác. Theo ông Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiến Kình việc thông báo, cách thức để thu hồi đất mang tính áp đặt.
Cụ thể, theo giấy mời mà Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Hà Tĩnh gửi cho Công ty cổ phần Tiến Kình thì đến ngày 1/6/2011 mới có cuộc họp để thống nhất phương án báo cáo UBND tỉnh. Nhưng ngày 31/5/2011, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng đã có công văn yêu cầu Công ty cổ phần Tiến Kình tạm dừng thi công xây dựng công trình. Công ty cổ phần Tiến Kình đã có ý kiến: Là đơn vị sản xuất kinh doanh nên Công ty không thể tạm dừng thi công rồi ngồi chờ đợi. Nếu buộc phải dừng thì thiệt hại về kinh tế ai chịu trách nhiệm? Đó là chưa nói đến việc lâu nay, Công ty tập trung xây dựng vùng kinh doanh theo từng bước để đảm bảo tiến độ Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Văn Thiệu, việc Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng ra thông báo tạm dừng hoạt động của Công ty cổ phần Tiến Kình là chưa thỏa đáng. Ông cho biết, tại Công văn số 1832/ UBND-CN ngày 10/6/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ giao cho một số ngành và Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng tiếp tục làm việc với Công ty cổ phần Tiến Kình, giải thích vận động, thuyết phục, yêu cầu Công ty phối hợp, tạo điều kiện phục vụ dự án trọng điểm của Khu Kinh tế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Khu du lịch sinh thái Đèo Con được đầu tư và xây dựng theo đúng trình tự, phù hợp mục tiêu phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng. Ngay trong Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: “Xây dựng khu đô thị mới Vũng Áng, đồng thời ưu tiên phát triển các khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển (Khu du lịch Kỳ Ninh, khu du lịch Kỳ Nam, Khu du lịch Đèo Con) trở thành các điểm du lịch quan trọng trong tuyến du lịch ven biển Bắc Trung Bộ”.
Điều bất thường là Dự án POMOSA đã được cấp phép từ lâu, cam kết giải phóng mặt bằng cũng đã có. Như vậy, mọi quy hoạch, kế hoạch tái định cư phải gắn liền với kế hoạch giải phóng mặt bằng chứ không thể hành xử theo kiểu “nóng tay bắt lỗ tai” một cách vô kế hoạch như vậy.
Dự án chưa xanh, chủ đầu tư đã xanh mặt
Đó là câu nói ví von mà nhiều người quan tâm tới vụ việc ở Hà Tĩnh dành cho Dự án Khu du lịch sinh thái Đèo Con, bởi sau gần 10 năm hao công, tốn của đầu tư về quê hương, chưa đến ngày hái quả, chủ đầu tư đang phải đối mặt với thất bại nhãn tiền.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thiệu cho biết: Khi hay tin dự án có khả năng bị thu hồi, nhiều người bạn thân, trong đó có cả các doanh nhân đã động viên. Nhưng cũng không ít người trách móc bởi trước đây họ đã khuyên ông Thiệu “Giúp quê hương thì giúp, nhưng không nên đầu tư về quê hương”. Cái khổ tâm của ông Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Thiệu là ông muốn chứng minh mình sẽ thành công khi đi tiên phong trong việc đầu tư về Kỳ Anh. Bao năm qua, doanh nghiệp ông đã tạo công ăn việc làm cho bà con lối xóm, ông được gần gia đình, gần mẹ và chị gái của mình…
Trước nguy cơ toàn bộ công sức bỏ ra có thể phải làm lại từ đầu, ông Thiệu bộc bạch: “Tôi chỉ thấy các cấp chính quyền phát công văn đòi thu hồi đất mà chưa có một lời nào động viên doanh nghiệp. Duy chỉ có Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh có ý kiến: “Doanh nghiệp nên có phương án để chúng tôi cấp đất nơi khác”. Mặc dù đó là động thái “buộc” dự án phải “nhổ neo” nhưng ông Thiệu cho rằng, ứng xử như thế cũng là một cách động viên đối với doanh nghiệp, bởi dù sao, việc thu hồi đất đã cấp cho Công ty nằm ngoài tầm tay của UBND huyện Kỳ Anh.
Lẽ nào một dự án du lịch trọng điểm, tạo điểm nhấn của khu vực, phù hợp với chủ trương của Chính phủ lại bị chính địa phương nơi được hưởng lợi xử sự thiếu trách nhiệm, dù trước khi triển khai dự án, địa phương này đã trải thảm đỏ mời gọi doanh nghiệp đầu tư? Một khi cái được và cái mất chưa được đưa lên bàn cân, nên chăng các cấp chính quyền ở Hà Tĩnh cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chính thức cho việc thu hồi đất đã giao để triển khai Dự án Khu du lịch sinh thái Đèo Con gần 10 năm nay, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi đầu tư về Hà Tĩnh./.