Mối lợi nhiều bề khi gia nhập các công ước vận tải biển
Ngày: 7/29/2011 5:31:39 AM
Các chủ tàu, chủ hàng Việt Nam sẽ được giảm thiểu khá nhiều rủi ro nếu chúng ta gia nhập sâu, rộng hơn các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Đây là khẳng định của Ths. Phạm Đình Thưởng, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương tại Hội thảo “Đánh giá tác động của việc Việt Nam gia nhập các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển” do Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III tổ chức tại Hà Nội ngày 26/7/2011 và tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 28/7/2011 với sự tham dự các hiệp hội, doanh nghiệp về vận tải đường biển và cơ quan chức năng liên quan.
Luật sư Ngô Khắc Lễ, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam cho biết, Việt Nam đang xem xét việc gia nhập các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, chủ yếu là ba công ước: Công ước quốc tế thống nhất một số quy tắc pháp luật liên quan đến vận đơn đường biển (Quy tắc Hague-Visby), Công ước của Liên hợp quốc về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển (Quy tắc Hamburg) và Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng vận chuyển hàng hóa một phần hoặc toàn bộ bằng đường biển (Quy tắc Rotterdam).
Cũng theo ông Lễ, có ít nhất 4 lợi ích thấy rõ khi Việt Nam tham gia các công ước về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển: chúng ta có nguồn luật áp dụng; xác định được cơ quan giải quyết tranh chấp thống nhất; giảm chi phí giao dịch; giảm tranh chấp. Trong khi, đây lại là những điểm yếu chí tử của các doanh nghiệp vận tải biển, nhà xuất khẩu Việt Nam trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Được biết, những nghiên cứu về đánh giá tác động trên các phương diện: pháp lý, kinh tế, thương mại và môi trường kinh doanh, khi Việt Nam tham gia các công ước quốc tế về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được trình bày tại hội thảo sẽ là cơ sở để Việt Nam lựa chọn công ước quốc tế cần tham gia.
Trong bối cảnh các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam đều chọn phương thức mua CIF, bán FOB với nhiều thua thiệt, để đảo ngược lại chuỗi mua bán này thì việc sớm tham gia một cơ chế tài phán quốc tế hữu hữu là một trong những điều kiện cần và đủ, ông David Luff, thành viên sáng lập Công ty Luật quốc tế Appleton Luff - International Lawyers, chuyên gia Dự án MUTRAP khuyến nghị.
(Nguồn:Báo Đầu Tư)