Với nhiều cơ chế ưu đãi, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đang là một địa chỉ đỏ thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
Việc khai sinh Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo vào năm 1998 đã tạo nên một cú hích lớn, không chỉ làm thay đổi diện mạo của cả một huyện miền núi nghèo miền Trung, mà còn dần định hình một trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực.
Cầu Treo giờ đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo đó, toàn bộ Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo được xác định là khu phi thuế quan với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai và một số cơ chế chính sách khác.
Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo nằm ở vị trí đắc địa, trên Quốc lộ 8A qua biên giới Việt – Lào, có vị trí chiến lược trong phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, giữa trung tâm của nhiều mối liên kết giao thông hành lang Đông – Tây, mở ra biển, đóng vai trò quan trọng trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đây là vùng kinh tế quá cảnh cho 8 tỉnh, 3 nước sử dụng Quốc lộ 8A. Ngoài Quốc lộ 8A đi cửa khẩu Cầu Treo, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo còn kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, rất thuận lợi cho giao thương hàng hoá và phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp chế biến, lắp ráp…
Đây cũng là vùng có hệ sinh thái đa dạng, cùng nguồn khoáng sản phong phú. Hệ sinh thái rừng tự nhiên chiếm đến 80% diện tích, có mỏ thiếc Sơn Kim với trữ lượng 70.000 tấn, mỏ nước khoáng Sơn Kim nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch Nước Sốt. Với diện tích rừng, hệ sinh thái tự nhiên được bảo tồn còn mang đậm nét hoang sơ, khí hậu trong lành, nơi đây rất thuận lợi cho đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, khu vui chơi giải trí...
Mặt khác, theo quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo được xác định là một trong 9 cửa khẩu quốc tế trong cả nước được Chính phủ đầu tư xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng, mô hình tổ chức quản lý và cơ chế chính sách.
Tính đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã có gần 150 doanh nghiệp và 750 hộ kinh doanh cá thể được cấp giấy đăng ký kinh doanh; có 9 dự án được cấp phép đầu tư đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Có 5 dự án siêu thị, nhà hàng và khách sạn tại khu vực cổng B đang lập dự án đầu tư và nhiều nhà đầu tư khác đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo.
Trong thời gian qua, Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã tập trung kiện toàn hoạt động quản lý dự án, nhằm tăng cường công tác quản lý, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư và xây dựng hạ tầng năm 2011 được tập trung đẩy mạnh, như Dự án Nhà liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo kết hợp Quốc Môn đã tổ chức lễ khởi công xây dựng; Công trình Trạm kiểm soát tạm khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đã hoàn thành; Dự án Nhà làm việc liên ngành khu vực cổng B đã được tổ chức đấu thầu và triển khai xây dựng vào tháng 5 vừa qua; 2 dự án khác đã hoàn thành công tác thiết kế, trình thẩm định phê duyệt...
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo sẽ trở thành một khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực; một khu đô thị miền núi khang trang; một trung tâm kinh tế - thương mại - du lịch; trung tâm sản xuất nông, lâm nghiệp theo công nghệ tiên tiến, tạo được giá trị hàng hóa cao, có thể kết hợp sản xuất công nghiệp, chế biến, có giá trị cảnh quan sinh thái nông lâm nghiệp, kết hợp bền vững với các hoạt động dịch vụ du lịch; tạo tiền đề vững chắc để trở thành một vùng kinh tế động lực phía Tây của tỉnh Hà Tĩnh và vùng Bắc Trung Bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung, góp phần vào sự phát triển và hội nhập kinh tế của cả nước.
Theo ông Trần Báu Hà, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, trước mắt, nơi đây còn bộn bề khó khăn, thách thức, nên chưa thể thực sự phát triển đúng với tầm vóc mà nó đáng có. Song với sức hút của “miền đất hứa” này, trong tương lai không xa, đây sẽ trở thành một khu kinh tế sầm uất, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, mở ra một triển vọng phát triển kinh tế đầy hứa hẹn cho Khu kinh tế nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
* Lĩnh vực và dự án kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo
Lĩnh vực sản xuất:
- Sản xuất, chế biến gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm
- Sản xuất đồ nhựa gia dụng, văn phòng phẩm
- Sản xuất hóa mỹ phẩm, dược phẩm
- Sản xuất thức ăn gia súc, phân bón
- Sản xuất vật liệu xây dựng: gạch ngói, sắt thép
Gia công - lắp ráp
- Lắp ráp điện tử, điện lạnh, ô tô, xe máy
- Gia công hàng may mặc, hàng thêu ren, giày dép thể thao
- Gia công cơ khí, trang trí nội thất
- Bao bì đóng gói
Lĩnh vực thương mại - du lịch - dịch vụ
- Siêu thị, cửa hàng miễn thuế, văn phòng cho thuê, hội chợ triển lãm
- Kho ngoại quan, bến bãi
- Khách sạn, nhà hàng ăn uống, tổ chức các tour du lịch nội địa và quốc tế
- Đầu tư các khu du lịch, vui chơi, giải trí, du lịch văn hóa và nhân văn, khám phá rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh, khu vui chơi giải trí cho người nước ngoài
- Ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính - viễn thông
- Vận tải, xây dựng, nhà để bán hoặc cho thuê
- Dịch vụ y tế, vệ sinh môi trường
- Đào tạo nghề, dịch vụ việc làm
Đầu tư hạ tầng
- Hệ thống điện, các nhà máy thủy điện
- Các dự án xây dựng cầu qua sông Ngàn Phố (qua Thị trấn Tây Sơn)
- Dự án đường qua Thị trấn Tây Sơn phía Nam sông Ngàn Phố
- Hạ tầng Khu du lịch sinh thái Nước Sốt
- Hạ tầng Khu thương mại - công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Đại Kim
- Hạ tầng Khu đô thị phía Nam Thị trấn Tây Sơn
- Hệ thống cấp thoát nước
- Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin