Một số ý kiến lại cho rằng Luật Đầu tư cần được sửa đổi hoặc thay thế bằng một luật về khuyến khích đầu tư.
Qua sáu năm thực thi, Luật Đầu tư đã bộc lộ hàng loạt bất cập và đây có lẽ không còn là chuyện tranh cãi. Vậy thì nên xử lý như thế nào với bộ luật này? Hiện vẫn còn quan điểm khác nhau.
Sáu năm trước
Không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ khi còn đang dự thảo, Luật Đầu tư đã gây một phản ứng mạnh mẽ từ xã hội, trong đó có rất nhiều ý kiến “can gián” đề nghị Quốc hội không nên ban hành đạo luật này.
Bầu không khí “nóng” đến mức TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Trưởng ban Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lúc bấy giờ đã dám công khai có ý kiến “ngược” với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư của mình. Ông nói thẳng ra rằng không cần phải có Luật Đầu tư vì thực chất những thủ tục đặt ra nhằm quản lý các lĩnh vực có tính chất chuyên ngành thì đã có những luật, văn bản pháp lý khác xử lý hết rồi.
Lo ngại về môi trường đầu tư có thể xấu đi, ba phòng thương mại Hoa Kỳ, Úc và châu Âu đã đồng gửi một lá thư đến chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Việt Nam “khẩn thiết đề nghị” không thông qua dự thảo Luật Đầu tư. Theo họ, dự luật nói trên sẽ “có tác động vô cùng tiêu cực đến không khí kinh doanh và kinh tế ở Việt Nam”. Thời điểm sát nút trước khi Quốc hội bàn thông qua dự luật vào tháng 11-2005, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn tranh thủ tổ chức tọa đàm (cuộc tọa đàm này được mọi người lúc đó gọi là “nỗ lực cuối cùng”), trong đó nêu rất nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng.
Trong khi đó, những người có thẩm quyền lại có cách nhìn khác. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, người được giao trọng trách chỉ đạo việc soạn thảo lúc bấy giờ, khẳng định thủ tục đăng ký đầu tư sẽ “đơn giản hơn rất nhiều”, đồng thời hứa “chúng tôi sẽ lắng nghe” (Tuổi Trẻ, 1-11-2005). TS. Nguyễn Đình Tài, một thành viên Ban soạn thảo Dự luật Đầu tư, cũng cam đoan với báo chí rằng doanh nghiệp sẽ “được” nhiều hơn “mất”. Ông cho rằng sở dĩ phải có thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư là để Nhà nước quản lý, hạn chế tình trạng doanh nghiệp “ma”, hạn chế các “dự án không triển khai đầu tư mà đi bán đất, bán nhà”... (Người Lao Động, 31-10-2005). Một thành viên soạn thảo khác là ông Hoàng Thanh Phú, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, thì tuyên bố chắc nịch “tới đây Quốc hội thảo luận, chắc sẽ thông qua thôi. Không cần thiết phải dừng lại! Không có lý do nào để dừng lại cả!” (Vietnamnet, 28-10-2005). Quả nhiên, sau đó ngày 29-11-2005 Luật Đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Và bây giờ
Thế nhưng, đúng như cảnh báo, Luật Đầu tư đã bộc lộ rất nhiều bất cập trong quá trình thực thi. Một bộ luật mà theo các chuyên gia, gây hết sức lúng túng cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp. Trong cuộc hội thảo mới đây do VCCI tổ chức, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng nhóm Nghiên cứu rà soát Luật Đầu tư, Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc CIEM, thừa nhận có rất nhiều quy định trùng lặp, bất hợp lý trong Luật Đầu tư cần phải bỏ hoặc viết lại. Những quy định này, theo ông, không tạo thêm giá trị nào cho quản lý nhà nước và xã hội mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Một trong những ví dụ “bức bối” nhất được các chuyên gia dẫn ra là quy định về thủ tục đăng ký, thẩm tra đầu tư. Mục tiêu của quy định này thực sự không rõ. Cụ thể, muốn triển khai một dự án đầu tư, tùy theo tính chất, quy mô nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký hoặc thẩm tra đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trong đó, nhà đầu tư phải giải trình hàng loạt vấn đề như về sử dụng đất đai; xây dựng; xử lý môi trường…
Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư vẫn phải lặp lại những thủ tục nói trên tại các cơ quan khác theo quy định của các luật chuyên ngành. Như vậy, rõ ràng thủ tục đăng ký, thẩm tra là thừa và chồng lấn.
Theo LS. Ngô Quang Hiệp, Công ty Tư vấn - Đầu tư và Chuyển giao công nghệ, thủ tục đầu tư còn chồng lấn lên cả Luật Doanh nghiệp khi quy định giấy chứng nhận đầu tư vừa là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngay trong giấy chứng nhận đầu tư, ở phần dự án và đăng ký kinh doanh nhiều thông tin ghi trùng lặp và “chẳng có ý nghĩa gì cả”. Mặc dù đặt ra nhiều thủ tục có vẻ chặt chẽ nhưng, theo ông Hiếu, tình trạng trì hoãn dự án đầu tư để đầu cơ đất đai, tài nguyên vẫn tràn lan.
Trong khi đó, các doanh nghiệp phải vật lộn khổ sở với những thủ tục nhiêu khê, thiếu minh bạch. “Kể từ ngày thực thi Luật Đầu tư và đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, một số vụ và chuyên viên của một bộ nọ bỗng trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết” - TS. Lê Nết, Công ty LCT Lawyers, phát biểu tại cuộc hội thảo. Ai cũng biết vị luật sư muốn ám chỉ đến tình trạng “chạy” thủ tục đầu tư đang diễn ra phổ biến hiện nay. TS. Nết cho biết một tình hình hết sức “nguy ngập” đang diễn ra là nhiều nhà đầu tư đã “bỏ” Việt Nam để sang những nơi có môi trường kinh doanh tốt hơn như Thái Lan, Indonesia…
Giữ, bỏ?
Hầu hết, các chuyên gia đều đề nghị nên sớm xem xét lại Luật Đầu tư. Sau khi đề xuất bỏ bớt đi nhiều quy định bất hợp lý, ông Phan Đức Hiếu, cho rằng Luật Đầu tư vẫn nên được giữ lại một số nội dung cần thiết nhưng cần được viết lại theo một tư duy khác trên cơ sở nâng cao hiệu quả về quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng Luật Đầu tư cần được sửa đổi hoặc thay thế bằng một luật về khuyến khích đầu tư. Trong đó, Nhà nước tập trung quy định về chính sách đầu tư và khuyến khích đầu tư, tức là định hướng vào những lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần thiết, còn đầu tư như thế nào là vấn đề kinh tế do doanh nghiệp tư quyết định. Theo LS. Trần Thanh Tùng, Công ty Luật P&P, nếu theo hướng trên thì cần phải bỏ khoảng 70-80% nội dung Luật Đầu tư và chỉ giữ lại một số nội dung thực sự vẫn còn cần thiết như quy định về bảo đảm đầu tư; ưu đãi đầu tư… “Vấn đề bảo đảm đầu tư là rất cần thiết vì nếu không có một sự tuyên bố rõ ràng thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó lòng an tâm khi đầu tư tại Việt Nam”, ông Tùng giải thích. Đồng tình với ý kiến trên, LS. Ngô Quang Hiệp tha thiết “nếu bỏ, cái bỏ đầu tiên phải là giấy chứng nhận đầu tư”.
Mạnh bạo hơn, một số chuyên gia như TS. Lê Nết, TS. Nguyễn Quốc Vinh, Công ty Luật Tilleke&Gibbins thì đề nghị nên bỏ luôn Luật Đầu tư, thậm chí cũng không cần luật khuyến khích và bảo đảm đầu tư. Hiện nay, chỉ có hai loại ưu đãi cơ bản là ưu đãi về đất và thuế, hai vấn đề này đã được quy định bởi pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế. Còn vấn đề bảo đảm đầu tư thực chất đã được quy định tại điều 5 Luật Doanh nghiệp với nội dung không khác gì so với Luật Đầu tư. Các vấn đề khác như đất đai, xây dựng, ngoại hối… đều đã có các luật chuyên ngành điều chỉnh, do đó Luật Đầu tư hoàn toàn không cần thiết.
Theo TS. Nguyễn Quốc Vinh, trong trường hợp bỏ Luật Đầu tư, việc thành lập, tổ chức của tất cả các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện trên một sân chơi thống nhất là đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Khi đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp sẽ được hoạt động khi đã đảm bảo tuân thủ các điều kiện do pháp luật quy định (nếu có). Riêng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có một số hạn chế về thị trường và lao động thì thực hiện theo các văn bản cam kết của Việt Nam với WTO. “Để kiểm soát vấn đề này, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ cần ghi những quy định cấm hay hạn chế vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nhìn vào đấy, doanh nghiệp sẽ biết để thực hiện. Họ phải tránh những nội dung bị cấm nếu không muốn bị trừng phạt. Hậu kiểm chính là chỗ đó!”, ông Vinh phân tích.