Năm dự án đầu tư nâng cao chất lượng chè, cà phê, khoai tây, thủy sản và ngô biến đổi gen đã chính thức được triển khai với sự tham gia của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô lớn theo mô hình hợp tác công - tư (PPP).
Mặt hàng chè đang được Công ty Monsanto Việt Nam và Unilever Việt Nam đầu tư nâng cao chất lượng. Ảnh: An Thư
Ông Richard Kaiser, Giám đốc điều hành Công ty Pepsico Việt Nam cho biết, Pepsico đang phối hợp với Công ty Syngenta Việt Nam (Tập đoàn Syngenta, Thụy Sỹ) triển khai Dự án Nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng trái cây, rau thông qua việc đào tạo nông dân, thành lập trang trại thí nghiệm ở tỉnh Lâm Đồng. Từ đầu năm đến nay, hai tập đoàn này đã nhập khẩu và hướng dẫn nông dân trồng thử nghiệm 12 giống khoai tây, trong đó, lựa chọn được 4 giống khoai tây có sức đề kháng sâu bệnh và năng suất vượt trội so với các giống khoai tây đang trồng đại trà ở Việt Nam. Vụ thu - đông năm nay, các giống khoai tây này sẽ chuyển giao rộng rãi cho nông dân trồng ở các tỉnh Gia Lai, Đắc Nông với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan. Mỗi tháng, Pepsico sẽ thu mua 5.000 tấn khoai tây từ nông dân để chế biến các sản phẩm khoai tây chiên. Với dự án này, Pepsico hy vọng, sẽ nâng công suất chế biến khoai tây ở Việt Nam lên 20.000 tấn/tháng, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất khoai tây hàng đầu thế giới.
Còn ông Randy Guttery, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry tại Việt Nam cho biết, Metro Cash & Carry phối hợp với Tập đoàn Cargill triển khai chương trình đào tạo nông dân nuôi trồng thủy sản tốt. Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn đã đào tạo 300 hộ nuôi cá (thuộc các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, An Giang) và 80 nhà sản xuất giống, hiệp hội ngành nghề, cán bộ nuôi trồng thủy sản. Trung tâm thu mua chế biến thủy sản cũng đã được Metro xây dựng tại TP. Cần Thơ. Từ trung tuần tháng 9/2011, doanh nghiệp này đã chính thức thu mua 15 tấn thủy sản/ngày để tiêu thụ tại mạng lưới siêu thị Metro trên toàn quốc. Nếu dự án PPP trên được vận hành suôn sẻ, Metro sẽ tính tới việc mở rộng tiêu thụ trên phạm vi thế giới. Tương tự, ông Rashid Qureshi, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, nhóm PPP cà phê do Tập đoàn Nestlé và một số doanh nghiệp nước ngoài khác tham gia như: Yara, Syngenta, BASF, Bayer, EDE Consulting, Cisco… đang triển khai Dự án Nâng cao chất lượng cà phê, đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị cho cà phê.
Hai dự án khác gồm Dự án Trồng ngô, đậu tương biến đổi gen và Dự án Cải thiện chất lượng, hình ảnh chè Việt Nam cũng đang được Công ty Monsanto Việt Nam và Unilever Việt Nam triển khai. Ông J.V.Raman, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết, mục tiêu lâu dài của Công ty khi thực hiện dự án này là mua 25.000-30.000 tấn chè đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA). Trước mắt, trong năm 2011, Unilever Việt Nam kỳ vọng mua được 10.000 tấn chè của Việt Nam, trong đó có 3.000 tấn chè đạt chứng nhận RA.
Ông Trần Văn Công, Trưởng phòng Hội nhập và Đầu tư (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện các dự án PPP mới được triển khai ở giai đoạn thí điểm, doanh nghiệp FDI đầu tư mới hỗ trợ về mặt kỹ thuật và số vốn đầu tư chưa nhiều. Cụ thể, đối với dự án cà phê, các doanh nghiệp mới đầu tư khoảng 200.000 USD. Tuy nhiên, sự vào cuộc của các doanh nghiệp FDI đã thu hút được nhiều nguồn vốn khác. Ở giai đoạn đầu thí điểm, Nhà nước cũng chưa rót vốn trực tiếp, mà chỉ hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, nhân lực…
“Nhà nước tham gia tạo môi trường chính sách trước, sau đó mới tính đến đầu tư. Có thể, Nhà nước sẽ không góp vốn trực tiếp, nhưng sẽ hỗ trợ vốn gián tiếp thông qua cơ chế về tín dụng, nhân lực… Nếu các dự án thí điểm này thành công, vốn của khu vực tư nhân và vốn FDI sẽ đổ vào nông nghiệp. Điều quan trọng nhất của những dự án này là tạo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, giá trị của sản phẩm, chia sẻ lợi nhuận giữa người dân và doanh nghiệp…”, ông Công nói.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Giám đốc đối ngoại Công ty Monsanto Việt Nam cho rằng, điều mong đợi nhất của doanh nghiệp FDI khi tham gia các dự án PPP là có thể tạo ra một diễn đàn, thông qua đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ biết được chính sách có phù hợp không, từ đó tìm cách tháo gỡ để mở thêm kênh thu hút vốn đầu tư. “Sự hỗ trợ lớn nhất của Nhà nước đối với doanh nghiệp là môi trường pháp lý, chứ không phải vốn. Muốn nhà đầu tư mở hầu bao, Chính phủ cần tạo một môi trường đáng tin cậy. Tôi cho rằng, hình thức hợp tác PPP này rất tốt, không chỉ với doanh nghiệp FDI, mà còn với cả doanh nghiệp tư nhân trong nước”, ông Kỳ nhận định và cho biết, Monsato đang muốn đẩy mạnh các dự án về ngô biến đổi gen, nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, vì sự chồng chéo quản lý giữa ba bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vốn FDI vào nông nghiệp sụt giảm mạnh trong 10 năm qua và hiện chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các dự án PPP sẽ khai thông vốn FDI và vốn đầu tư tư nhân trong nước vào nông nghiệp. Ngoài 12 tập đoàn quốc tế lớn tham gia Nhóm công tác PPP nông nghiệp, đã có thêm nhiều doanh nghiệp FDI khác đăng ký tham gia.