Khi không thể tiếp tục vay vốn, dự án dở dang sẽ nằm bất động, trang thiết bị, máy móc cũng trở thành sắt vụn.
Nếu phá sản, giải thể, sẽ có tác động lớn, đó là vốn vay ngân hàng sẽ khó có thể thu hồi.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9 năm nay, có gần 49.000 DN đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Trong đó, phá sản, giải thể là 5.800 DN, khoảng 11.500 DN ngừng hoạt động và 31.500 DN ngừng nộp thuế.
Như vậy bình quân một quý có trên 12.000 DN giải thể, phá sản,ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Với tốc độ này, dự báo cả năm 2011 số DN lâm vào tình trạng như trên có thể chiếm tới 10% trong tổng số 600.000 DN cả nước hiện nay.
Trong nền kinh tế thị trường, chuyện DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động là chuyện bình thường, nhưng khi DN lâm vào tình trạng này, những tác động mà nó gây ra cho xã hội không phải là nhỏ. Trước hết, một lượng lớn những người lao động sẽ bị nợ lương, nghỉ việc. DN thì nợ bảo hiểm xã hội, nợ tiền điện, viễn thông, nước, nợ ngân hàng...
Chẳng hạn, khi Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải ngừng sản xuất thời gian qua, thì hơn 2.000 lao động hiện không có việc làm, phải nghỉ việc, bị nợ lương. Vạn Lợi hiện đang nợ tiền điện hơn 11 tỷ đồng và nợ Bảo hiểm xã hội TP. Hải Phòng gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, DN này đang là con nợ của 6 tổ chức tín dụng, với nhiều món nợ xấu, giá trị lớn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là thực tế khác xa với tương lai của Vạn Lợi được "vẽ" ra hơn một năm trước. Thời điểm tháng 7/2010, trên sàn OTC, quy mô Vạn Lợi được "vẽ" với 14 doanh nghiệp thành viên, "doanh số khoảng 10.000 tỷ đồng/năm và sẽ đạt 1 tỷ đôla vào năm 2012".
Số DN cho người lao động nghỉ việc, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong ngành xây dựng đến tháng 6/2011đã có 1.118 lao động mất việc làm; 4.549 lao động không đủ việc làm. Đáng chú ý là có 66 doanh nghiệp nợ lương người lao động với tổng số tiền 134 tỷ đồng; 79 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền 85 tỷ đồng.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bình quân trước đây, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Năm nay, ước khả năng con số này sẽ gấp rưỡi đến gấp đôi. Điều này cho thấy tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp đang xấu đi, số phá sản giải thể vẫn tăng. Đây thực chất cũng có thể coi là sự thanh lọc nghiệt ngã sẽ diễn ra trên thương trường. Trong thời kỳ này, DN nào có năng lực cạnh tranh yếu, quản trị kém và trang thiết bị lạc hậu sẽ khó có thể tồn tại, dồn nguồn lực cho các DN có năng lực hơn.
Tuy nhiên, có một vấn đề làm nhiều người băn khoăn, đó là trong số các DN giải thể phá sản, ngừng hoạt động có không ít DN vay vốn đang đầu tư thì bị hạn mức tín dụng khống chế.
Do lạm phát tăng cao, từ đầu năm 2011, Chính phủ đã có chủ trương thắt chặt tín dụng. Hạn mức tín dụng cho phép trong năm 2011 tăng không quá 20%. Nhiều DN mặc dù đã được các ngân hàng chấp thuận, phê duyệt cho vay vốn và đã được giải ngân một phần, đang thực hiện dở dang phải dừng lại do ngân hàng đã chạm ngưỡng hạn mức dẫn đến dự án bị ngưng trệ, đình đốn...
Với những DN này, khi không thể tiếp tục vay vốn, dự án dở dang sẽ nằm bất động. Trang thiết bị, máy móc cũng trở thành sắt vụn. Nếu phá sản, giải thể, sẽ có tác động lớn, đó là vốn vay ngân hàng sẽ khó có thể thu hồi.
Bên cạnh đó, điều đáng nói là hiện nay nhiều ngân hàng không dám siết nợ các DN. Tại Hải Phòng, các DN thép đang nợ ngân hàng khoảng 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cho đến giờ ngân hàng cũng không dám làm căng với DN. Vì khi cho vay, công tác thẩm định hiệu quả dự án, thiết bị sản xuất nhập khẩu... có khi không kỹ lưỡng. Do đó, nhiều thiết bị lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao lớn được đưa về với giá cao. Khi thị trường gặp khủng hoảng, người cho vay càng không dám thực hiện siết nợ. Vì nếu có làm thì cũng không biết bán dây chuyền ấy cho ai để thu hồi nợ!
Những khoản nợ này sẽ phải chuyển thành nợ xấu. Gánh nặng nợ xấu tăng sẽ liên quan đến sự an toàn của các ngân hàng và là " kẻ thù" của nền kinh tế.