Việc chuyển hướng thu hút đầu tư sang các dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường đang là định hướng chung của các trung tâm công nghiệp phía Nam, như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo báo cáo của Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM (Hepza) tại Hội nghị tổng kết hoạt động KCX - KCN TP.HCM 2011 và định hướng 2012 diễn ra chiều qua (29/12), trong năm 2011 (tính đến ngày 21/12/2011), các KCX-KCN tại địa phương này đã thu hút được 1,038 tỷ USD vốn đầu tư của 18 dự án mới và 198 triệu USD tăng vốn.
Hiện đa số các dự án đầu tư nước ngoài trong KCX-KCN TP.HCM thuộc các ngành sản xuất - gia công, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Quy mô vốn đầu tư còn nhỏ, với số dự án có vốn đầu tư nước ngoài bình quân dưới 5 triệu USD/dự án chiếm tới 73%.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Hepza, là do trong giai đoạn đầu phát triển KCX-KCN, tiêu chí lấp đầy được đặt lên hàng đầu để giải quyết lao động thất nghiệp, tiếp cận nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài, nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư.
“Với mục tiêu thu hút 4 tỷ USD vốn đầu tư, kim ngạch xuất khẩu tăng 15%/năm, nộp ngân sách tăng 30%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015, các KCX - KCN TP.HCM sẽ chuyển hướng vào các dự án đầu tư thuộc các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ sạch, nguồn lao động có trình độ cao, tập trung vào các ngành: điện tử - viễn thông - tin học, hóa chất – dược phẩm, cơ khí chế tạo, chế biến tinh lương thực – thực phẩm; chú trọng thu hút đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp đó”, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý Hepza cho biết.
Đồng nhất với định hướng của TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Văn, Phó trưởng ban Quản lý KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, dù gặp nhiều khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư trong năm 2011 (hơn 720 triệu USD), song chủ trương của tỉnh trong giai đoạn 2012 - 2015 là tiếp tục sàng lọc kỹ dự án đầu tư mới vào các KCN theo chủ trương ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
“Vừa qua, Đồng Nai đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập các phân khu trong một số KCN của tỉnh để chuyên sâu thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và kiến nghị xem xét các ưu đãi cụ thể cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Văn nói.
Một đại diện Ban Quản lý KCN Bình Dương cho biết, năm 2011, các KCN của tỉnh đã thu hút được 818 triệu USD (cả đầu tư mới và tăng vốn), trong đó có nhiều dự án công nghiệp phụ trợ của doanh nghiệp Nhật Bản, như Finecs (linh kiện máy tính), Tokyo Rope (dây cáp), Showa Gloves (găng tay)... “Trong năm 2012, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ; tăng cường xúc tiến đầu tư và mời gọi các tập đoàn lớn sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, khả năng cạnh tranh lớn”, vị đại diện này nói.
Theo ý kiến của TS. Lê Tuyển Cử, Phó vụ phó trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc chuyển hướng thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... là rất cần thiết, góp phần quan trọng vào tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao và đảm bảo cân bằng lợi ích chung của toàn vùng, tránh tình trạng chồng chéo, thiếu tính liên kết, rất cần sự điều phối của Chính phủ và các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần thực hiện nhất quán các chính sách ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao gắn với ngành nghề, tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.