ứng trước thực trạng thất thu ngân sách từ đất đai ngày càng lớn do việc xây dựng khung giá đất ngày càng trở nên bất cập, không phù hợp với thực tế, Bộ Tài chính kiến nghị bỏ khung giá đất.
Thay vì việc định kỳ vào ngày 1 tháng 1 hàng năm, UBND cấp tỉnh phải công bố bảng giá đất căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ, Chính phủ chỉ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất và quyết định giá đất theo cơ chế thị trường.
Theo Nghị định 188/2004/NĐ-CP, giá đất do UBND cấp tỉnh công bố hàng năm được sử dụng để tính thuế sử dụng đất (SDĐ) và chuyển quyền SDĐ; tính tiền SDĐ và tiền thuê đất khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá; xác định giá trị quyền SDĐ để tính vào giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa; tính giá trị quyền SDĐ để thu lệ phí trước bạ; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất…
Dựa vào bảng giá đất cụ thể của từng địa phương, hàng năm ngân sách thu về từ đất đai số tiền không nhỏ và tăng đều hàng năm, từ mức 5.468 tỷ đồng năm 2002 (chiếm 4,43% tổng thu ngân sách) lên 53.414 tỷ đồng năm 2009, 67.767 tỷ đồng năm 2010, chiếm tỷ trọng tương ứng 11,74% và 11,21% tổng thu ngân sách.
“Nhưng do bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành hàng năm thường chỉ bằng 30-60% giá đất giao dịch trên thị trường nên hàng năm ngân sách thất thu từ đất đai số tiền không nhỏ”, ông Phạm Đình Cường, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính khẳng định.
Vẫn theo ông Cường, do bảng giá đất không sát giá thị trường nên gây ra tình trạng khiếu kiện về đất đai của người dân mỗi năm một gia tăng. “Do phải công bố bảng giá đất vào ngày 1 tháng 1 hàng năm và giá đất năm sau thường tăng so với năm trước nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng nhất là những dự án có kế hoạch thu hồi đất vào các tháng cuối năm thường bị chậm trễ, người dân cố tình kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng với kỳ vọng năm sau tiền bồi thường nhận được sẽ nhiều hơn”, ông Cường nói.
Tại cuộc Hội thảo Đề án Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 vừa được Bộ Tài chính tổ chức ngày 23.3.2012, ông Nguyễn Xuân Long, Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hoà đặt câu hỏi: “Vì sao UBND biết là giá đất thấp xa so với thị trường nhưng vẫn cứ ban hành?”
“Tại Khánh Hoà, giá đất giao dịch nhiều nơi lên đến 200 triệu đồng/m2; giá đất đền bù, giải phóng mặt bằng 48 triệu đồng/m2. Nhìn thấy bất cập, chúng tôi đã kiến nghị UBND trình HĐND nâng mức giá đất tối đa lên 80 triệu đồng/m2 nhưng không được chấp thuận nên biết là bất cập vẫn phải để giá đất tối đa là 18 triệu đồng/m2”, ông Long cho biết.
Giải thích trước sự “bất lực” của cơ quan tài chính địa phương trước việc đề nghị nâng giá đất bất thành, ông Long cho biết, do HĐND tỉnh sợ nếu ban hành giá đất cao hơn so với những địa phương khác sẽ giảm sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và tăng gánh nặng cho người dân. Hơn nữa dù có muốn tăng theo sát giá thị trường, Khánh Hoà cũng như tất cả các địa phương khác cũng không thể thực hiện được vì vướng khung giá đất do Chính phủ quy định.
“Theo Nghị định 123/2007/NĐ-CP thì giá đất tối đa tại Hà Nội và TP.HCM là 67,5 triệu đồng/m2; tại đô thị loại 1 là 42,5 triệu đồng/m2, tại đô thị loại 2 là 30 triệu đồng/m2… Ai cũng biết mức giá này thấp xa so với thị trường nhưng cũng chỉ có quyền tăng vượt khung 20%. Vì vậy, để giá đất phản ánh đúng giá thị trường cần phải bỏ khung giá đất và cho phép UBND cấp tỉnh được công bố khung giá đất mỗi năm nhiều lần khi thị trường có sự thay đổi”, ông Long kiễn nghị.
Nguồn thu từ đất đai thuộc ngân sách địa phương, vì vậy khi bỏ khung giá đất, các địa phương sẽ ngay lập tức tăng bảng giá đất. Và như vậy, nghĩa vụ đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào ngân sách (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền SDĐ, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ…) sẽ tăng. Trong bối cảnh giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng liên tục; giá điện, xăng dầu, gas, nước sạch… đang “tăng theo lộ trình”, nếu tăng giá đất chắc chắn sẽ bị phản ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
“Khi tăng giá bất cứ loại hàng hoá gì, từ điện, nước sạch, giá xe bus… người ta đều lấy người nghèo ra làm “bình phong” với lập luận rằng, tăng giá sẽ làm giảm thu nhập thực tế của người có thu nhập thấp. Tôi cho rằng, lập luận này là nguỵ biện”, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm lên tiếng.
Theo ông Liêm, nếu không tăng giá điện, nước sạch, đất đai… là bảo hộ cho người có thu nhập cao vì trên thực tế, người có thu nhập thấp sử dụng điện, nước sạch không đáng kể, mỗi tháng chỉ 200-300 ngàn đồng. Trong khi người có thu nhập cao mỗi tháng sử dụng 4-5 triệu tiền điện, dùng nước sạch tưới cây và... “cho cả chó tắm trong bể bể bơi”.
Ông Liêm cho rằng, bỏ khung giá đất, giá đất theo sát thị trường, trên thực tế thì chỉ có người giàu mới phải đóng góp nhiều hơn do họ sử dụng nhiều đất đai tại những khu đô thị lớn - nơi giá đất có trị giá cao, còn đại bộ phận người dân sống ở nông thôn bị tác động không đáng kể.
Chuyên gia bất động sản hàng đầu Việt Nam - GS. TSKH Đặng Hùng Võ đồng tình với quan điểm bỏ khung giá đất và phải để giá đất theo sát giá thị trường. “Với giá đất bất hợp lý như hiện nay thì Nhà nước thiệt, người dân có đất bị thu hồi thiệt, chỉ có nhà đầu tư được lợi”, ông Võ nói.