Nhà đầu tư Nhật Bản rất quan tâm tới các thương vụ M&A từ 50 - 100 triệu USD trở lên, đặc biệt là các DN niêm yết hoặc đã cổ phần hoá.
Công nghiệp phụ trợ là một trong những ngành hấp dẫn NĐT Nhật Bản, đây cũng là ngành mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư, nhưng không ít doanh nghiệp Nhật Bản còn e ngại khi quyết định lựa chọn đầu tư vào Việt Nam. Làm sao để cải thiện tình trạng này?
ĐTCK đã trao đổi với ông Lê Thế Bình (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Capital Partners Vietnam (CPVN) thuộc Công ty Capital Partners Securities (Nhật Bản).
Qua tiếp xúc với NĐT Nhật Bản, CPVN nhận thấy họ nhìn nhận môi trường kinh doanh tại Việt Nam ra sao, thưa ông?
Có nhiều kênh đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam như đầu tư trực tiếp (FDI) hoặc gián tiếp như M&A. Đối với kênh M&A, NĐT Nhật Bản quan tâm đến những DN Việt Nam đủ lớn, để đạt hiệu quả về quy mô. Tiếc rằng, trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ như: điện tử, cơ khí, hóa chất…, thì số cơ hội đầu tư này chưa nhiều.
Nếu có những cơ hội như vậy, họ rất quan tâm tới các thương vụ từ 50 - 100 triệu USD trở lên, đặc biệt là các DN niêm yết hoặc đã cổ phần hoá. Để tăng thu hút đầu tư theo kênh này, các DN cùng ngành tại Việt Nam hiện có quy mô vừa và nhỏ nên hợp nhất, để tạo thành một DN lớn hơn và hiệu quả hơn. Khi đó sẽ dễ dàng thu hút vốn của đối tác Nhật Bản.
Việt thu hút thêm FDI đang gặp trở ngại do lạm phát cao. Điều này làm tăng chi phí nhân công, logistic và nhiều yếu tố đầu vào của sản xuất. Ngoài ra, Việt Nam vẫn thiếu lực lượng lao động chuyên sâu. Công nghiệp phụ trợ muốn phát triển không chỉ cần công nghệ đơn thuần, mà phải kết hợp cả kỹ thuật lẫn kỹ năng kinh doanh, quản lý, kế toán...
Lao động chuyên sâu không phải là nhiều bằng thạc sĩ, tiến sĩ, mà bằng khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong kinh doanh, sản xuất thực tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần xây dựng văn hóa gắn bó lâu dài và chuyên nghiệp với một nghề nghiệp, một chuyên môn nhất định. Đồng thời, cần thúc đẩy, khuyến khích văn hóa đào tạo, giáo dục gắn với thực hành, tránh coi trọng bằng cấp.
Bên cạnh đó, nên có thêm ưu đãi cho các DN trong ngành công nghiệp phụ trợ về thuế và các ưu đãi khác khi niêm yết trên TTCK, để khuyến khích họ niêm yết. Sở dĩ cần chú trọng điều này là bởi khi NĐT nước ngoài muốn tìm hiểu môi trường kinh doanh của một quốc gia, họ thường tiếp cận qua TTCK, vì đây là kênh thông tin đa dạng, khá tin cậy.
Khả năng đáp ứng của Việt Nam trước các đòi hỏi trên của NĐT đến đâu, thưa ông?
Trong 1 - 2 năm tới, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá và cho niêm yết sớm các DNNN trong ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng và các DNNN nói chung. Qua đó, kết quả tác động tới thu hút đầu tư từ Nhật Bản ra sao chúng ta có thể hình dung được. Về trung và dài hạn, muốn thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, NĐT Nhật Bản nói riêng, Việt Nam cần chú trọng cải cách đào tạo, giáo dục, để có được đội ngũ chuyên gia giỏi thực sự trong các lĩnh vực.
Điều quan trọng cần lưu ý là khi các cấp lãnh đạo Việt Nam gặp gỡ các tổ chức và NĐT Nhật Bản, một khi đã cho phép hoặc cam kết làm việc gì đó, thì cần theo dõi sát sao để đảm bảo rằng các cấp thực hiện đúng như cam kết, thỏa thuận. Đây là điều không thể xem nhẹ nếu muốn tạo được lòng tin với NĐT.
Ngành logistic Việt Nam đang có những hạn chế, nhất là chi phí dịch vụ cao, ảnh hưởng đến nỗ lực thu hút NĐT Nhật Bản. Theo ông, cần khắc phục điểm yếu này thế nào?
Tôi xin truyền đạt lại ý kiến của lãnh đạo một DN ngành vận tải Nhật Bản tham gia kinh doanh ở Việt Nam đã gần 20 năm. Ông này quan ngại về những hạn chế của cơ sở hạ tầng, việc có quá nhiều luật cùng điều chỉnh ngành vận tải... đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng chậm được khắc phục. Ông này cũng nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành vận tải khá chậm, nên nếu hạn chế này sớm được khắc phục sẽ có hiệu ứng giảm chi phí.
Theo ông, Việt Nam cần có những cải cách gì để tạo ra sức cạnh tranh trong thu hút NĐT Nhật Bản so với các thị trường lân cận, trong đó có Myanmar đang có sức hấp dẫn NĐT nước ngoài?
Một số NĐT Nhật Bản và cả chính NĐT Việt Nam nhận xét Myanmar đang có suất đầu tư rẻ, môi trường đầu tư còn khá sơ khai. Điều này hàm ý môi trường kinh doanh tại Việt Nam dần trở nên đắt đỏ.
Khá nhiều người Nhật Bản đang quan tâm đến mua chung cư tại Việt Nam để lưu trú dài hạn, nhưng không dễ được đáp ứng, trong khi Thái Lan có những làng người Nhật Bản, Malaysia có thể cấp visa lưu trú dài hạn tới 10 năm cho người Nhật Bản. Việt Nam cần xem xét vấn đề này, để gia tăng sức hấp dẫn hơn cho môi trường kinh doanh.
Khi NĐT Nhật Bản lưu trú dài hạn sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam “xuất khẩu tại chỗ” nhiều hàng hóa, dịch vụ. Nếu biết khai thác tốt, người Nhật Bản với tư cách là những chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ trở thành người đào tạo cho nguồn nhân lực Việt Nam không chỉ về kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, mà còn cả về tinh thần kiên trì vượt khó khi còn chưa giàu có, tinh thần trách nhiệm với xã hội thể hiện qua chất lượng của sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp.