Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng: Nhà đầu tư “dọa” đóng cửa nhà máy
Ngày: 8/30/2012 7:17:13 AM
Cho rằng mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng quá cao, làm ăn không có lãi, một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết, họ có thể phải đóng cửa nhà máy tại Việt Nam hoặc chuyển sang nước thứ 3 như Indonesia, Lào hoặc Campuchia...

Tại buổi họp lấy ý kiến các nhà đầu tư nước ngoài về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng khối doanh nghiệp do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng ngày 28/8, các doanh nghiệp đều thống nhất kêu ca việc tăng lương vào thời điểm “sức khỏe” của doanh nghiệp đang thoi thóp như hiện nay sẽ gây thêm khó khăn cho nhà đầu tư.

“Sốc mạnh, đó là cảm giác đầu tiên khi nghe thông tin lương tối thiểu có thể tăng tới cao nhất tới 36%”, đại diện một doanh nghiệp dệt may của Hàn Quốc đóng tại thành phố Việt Trì chia sẻ. Cho rằng nhiều doanh nghiệp dệt may tại TP.HCM thời gian qua đã phải dừng sản xuất, thậm chí dời nhà máy sang quốc gia khác như Indonesia, Lào…vì kinh doanh tại Việt Nam đang quá khó khăn, vị đại diện này lo ngại, nếu tăng lương tối thiểu cao như vậy, những doanh nghiệp còn lại cũng sẽ phải đóng cửa hoặc di chuyển nốt vì không thể tồn tại được.

Ông này cho biết, dù thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp của ông hiện đã ở mức 2,8 triệu đồng, nhưng nếu tăng lương tối thiểu lên 2,7 triệu đồng, tiền đóng các loại bảo hiểm vẫn sẽ gây trở ngại lớn tới hoạt động của doanh nghiệp lúc này. “Với đặc điểm kinh tế hiện tại của Việt Nam, khi mà công nghiệp nhẹ, trong đó có dệt may, da giày đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam nên có biện pháp bảo vệ doanh nghiệp công nghiệp nhẹ. Trong đó, không loại trừ yếu tố hạn chế tối đa đến mức có thể việc tăng lương tối thiểu”, vị đại diện này phân tích. Ông này cũng cho rằng, chỉ số CPI cả năm 2012 có thể sẽ ở khoảng 8% và đề xuất lương tối thiểu chỉ nên tăng 12%, tức là mức cao nhất ở vùng I chỉ thêm 250.000 đồng/tháng.

Cùng quan điểm, đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc khác đều cho rằng, việc tăng lương vào thời điểm này không có ý nghĩa trợ giúp người lao động mà còn khiến họ có thể mất việc khi doanh nghiệp phải sa thải lao động vì không gánh được chi phí tăng thêm.

Dự báo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay có thể lên tới 10%, nhưng một đại diện khác của các doanh nghiệp Nhật Bản lại chỉ đề nghị mức tăng lương tối thiểu 10%. Ông này cũng cho hay, nếu Chính phủ Việt Nam không đồng ý tăng 10% cũng nên có một phương án thứ ba, thấp hơn hai mức đề xuất hiện tại, tức là mức tăng cao nhất cũng chưa tới 400.000 đồng/tháng.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, mức tăng 10-12% mà các doanh nghiệp đưa ra là quá thấp, thấp hơn cả đề xuất 17%, tức là tăng khoảng 350.000 đồng/tháng mà các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM kiến nghị với Bộ.

Tuy nhiên, thứ trưởng Phạm Minh Huân cam kết sẽ ghi nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp, trình Chính phủ để có thể đưa ra những quyết định hợp lý nhất, đảm bảo tối đa việc hài hòa lợi ích nhà đầu tư và người lao động. Trong tháng 9, Bộ sẽ tổng hợp trình Chính phủ và các phương án cuối cùng sẽ được Chính phủ quyết định trong tháng 10 tới.

(Nguồn:Báo Đầu Tư)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.