Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Dựng lại “tường lửa” để hạn chế sở hữu chéo tại các ngân hàng
Ngày: 10/1/2012 7:24:54 AM
’Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua, một trong những sai lầm "chết người" là xóa "bức tường lửa" của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.’

Ông Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhận định như vậy.

Theo thống kê, hiện tại có khoảng gần 40 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các ngân hàng TMCP.

Hầu hết tập đoàn kinh tế nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa ngân hàng TMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp.

Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các DN khác.

Những hệ lụy mà hình thức sở hữu chéo mang lại ít nhiều thì cũng được khá nhiều chuyên gia phân tích, mổ xẻ. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một đánh giá cụ thể, chi tiết và chính xác nào từ phía các cơ quan có chức năng về tình trạng này tại Việt Nam. Phải chăng bức tranh này rất khó “vẽ” lại?

Theo ông Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, mặt trái của sở hữu chéo đã được thể hiện qua những trục trặc ngày càng rõ của ngành ngân hàng vài năm trở lại đây, trong đó nghiêm trọng nhất là các NHTM đã dùng sở hữu chéo để lách các quy định bảo đảm an toàn hoạt động do NHNN ban hành.

Thứ nhất là quy định về vốn. Theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ -CP, vốn điều lệ thực góp của các ngân hàng phải đạt 1.000 tỷ đồng vào năm 2008 và 3.000 tỷ đồng vào năm 2010.

Thông qua sở hữu chéo, cổ đông ngân hàng A có thể vay tiền ngân hàng B để góp vốn vào ngân hàng A, và ngược lại. Hoạt động đi vay này tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng.

Thứ hai là giới hạn tín dụng theo quy định hiện hành đã bị sở hữu chéo làm vô hiệu hoá. 

Thứ ba là các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của NHNN có thể bị làm sai lệch tinh thần bởi sở hữu chéo.

Khi khách hàng không trả được nợ, thay vì xếp khoản vay thành nợ xấu và trích dự phòng rủi ro theo quy định, ngân hàng A có thể cho vay đảo nợ…

Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, sở hữu chéo là vấn đề khá bình thường trên thế giới, nhưng luật của các nước đều yêu cầu minh bạch để thị trường và cổ đông giám sát.

Còn ở Việt Nam cũng đã có những quy định hạn chế sở hữu chéo và yêu cầu công khai việc này, nhưng lại bỏ ngỏ khâu giám sát và chế tài, dẫn đến việc sở hữu chéo ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm lũng đoạn thị trường nhiều lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua, một trong những sai lầm "chết người" là xóa "bức tường lửa" của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại. Nhiều quy định trong Luật vẫn chưa chặt chẽ và rõ ràng phân biệt giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại truyền thống.

“Chính vì thế mới có sự “lập lờ” trong đầu tư và sở hữu giữa các cá nhân với ngân hàng, giữa ngân hàng này với ngân hàng kia. Việc lập lại “bức tường lửa” (quy định rạch ròi về hoạt động của ngân hàng đầu tư với ngân hàng thương mại) sẽ vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay” – ông Thành nói.

Ông Trương Đình Tuyển – Thành viên hội đồng Tư vấn tiền tệ Quốc gia thì bức xúc nói tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2012 tổ chức vừa qua tại Hà Nội rằng: Đã là ngân hàng thì nhất quyết không được đầu tư vào bất kỳ một lĩnh vực kinh doanh nào khác. Dù đó chỉ là một đồng.

Theo ông Tuyển ngân hàng là một lĩnh vực hoạt động có lợi nhuận cao nhưng lại khá nhạy cảm và mỗi biến động của nó đều có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung.

Do đó, nếu cho phép các ngân hàng được phép đầu tư vào một số lĩnh vực khác (phi ngân hàng) cho dù luật có chặt đến đâu thì cá nhân hay tổ chức đó đều có “cửa” để lách.

(Nguồn:TTVN)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.