13 Ngành - Lĩnh vực không được bù lãi suất kích cầu
Ngày: 4/25/2009 11:40:00 AM
Ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư, nhưng có 13 ngành, lĩnh vực bị loại trừ.
Ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc hỗ trợ lãi suất kích cầu đầu tư, nhưng có 13 ngành, lĩnh vực bị loại trừ.
Theo quyết định trên, chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay 4%/năm, theo gói kích cầu đầu tư trị giá 17.000 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), chính thức được triển khai.
Điều 1 của Quyết định cho biết, trong năm 2009, nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh, nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Đối tượng và phạm vi áp dụng gồm các tổ chức tín dụng cho vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, là các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và quỹ tín dụng nhân dân trung ương.
Các khoản vay được xác định là ngắn hạn bằng đồng Việt Nam theo các hợp đồng được ký kết và giải ngân trong năm 2009 của các tổ chức, cá nhân để làm vốn lưu động sản xuất, kinh doanh, được thống kê tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng chú ý là có 13 ngành, lĩnh vực không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất (xem phụ lục).
Về nguyên tắc hỗ trợ, theo quyết định trên, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay các nhu cầu vốn lưu động để hoạt động sản xuất - kinh doanh theo cơ chế tín dụng thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Quyết định của Thủ tướng nêu rõ: Các ngân hàng không được từ chối hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất; Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và giám sát nghiêm việc thực hiện trên thực tế.
Theo quy định tại Quyết định, thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 8 tháng đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 - 31/12/2009.
Mức hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay là 4%/năm, tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế nằm trong khoảng thời gian nêu trên. Khi thu lãi vay, các ngân hàng thương mại giảm trừ số tiền lãi phải trả cho khách hàng vay.
Để thực hiện chính sách này, Thủ tướng yêu cầu trong 10 ngày đầu tháng 2/2009, các ngân hàng thương mại gửi giấy đăng ký và kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước và thực hiện ngay việc hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay.
Các ngân hàng thương mại áp dụng cơ chế và lãi suất cho vay thông thường khi ký kết hợp đồng tín dụng. Đến kỳ hạn thu lãi tiền vay của khách hàng, các ngân hàng thương mại thực hiện việc giảm trừ số tiền lãi bằng 4% năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế phát sinh trong năm 2009. Các ngân hàng thương mại sẽ được hoàn trả số tiền lãi giảm trừ này từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Khách hàng vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất gửi giấy đề nghị hỗ trợ lãi suất cho các ngân hàng thương mại nơi vay vốn được hỗ trợ lãi suất.
* Các khoản vay thuộc 13 ngành, lĩnh vực không thuộc diện được hỗ trợ lãi suất:
1. Ngành công nghiệp khai thác mỏ;
2. Hoạt động tài chính;
3. Ngành quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, Đảng, đoàn thể, bảo đảm xã hội bắt buộc;
4. Giáo dục và đào tạo;
5. Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội;
6. Hoạt động văn hóa, thể thao;
7. Hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn (trừ hoạt động đầu tư xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp);
8. Hoạt động phục vụ cá nhân và công cộng (bao gồm cả cho vay thông qua thẻ tín dụng);
9. Hoạt động dịch vụ tại hộ gia đình;
10. Hoạt động các tổ chức quốc tế;
11. Nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng;
12. Đầu tư và kinh doanh chứng khoán;
13. Kinh doanh bất động sản dưới hình thức mua, bán quyền sử dụng đất.
(Nguồn:Theo TBKTVN)