Sẽ hạ bớt các tiêu chuẩn để hút vốn ngoại cơ cấu các TCTD yếu kém?
Ngày: 2/26/2013 7:13:16 AM
Nghị định mới sẽ tạo tiền đề cho một xu hướng M&A mạnh mẽ hơn đối với các tổ chức tín dụng trong năm 2013-2015.
Cuối tuần qua, NHNN đã chính thức đưa Dự thảo Nghị định Về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng Việt Nam ra xin ý kiến.
Đánh giá về Dự thảo này, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc phân tích quỹ SHF cho rằng, đây là cơ sở thuận lợi hơn nhiều cho NĐTNN trong việc nắm cổ phiếu của TCTD trong nước, đặc biệt là với các TCTD thuộc diện cần tái cơ cấu khi cho phép tỷ lệ sở hữu của NĐTNN có thể vượt mức giới hạn hiện tại là 30% vốn điều lệ trong những trường hợp đặc biệt nhằm thực hiện lộ trình tái cơ cấu TCTD.
Dự thảo cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TCTD trong nước trong việc bán cổ phần, chẳng hạn việc quy định mới sẽ có thể bãi bỏ quy định trước đây là TCTD trong nước phải có nợ xấu dưới 3% và có lãi năm liền kề (theo Thông tư 07/2007 ngày 29/11/2007 hướng dẫn Nghị định 69/2007 về việc NĐTNN mua cổ phần tại ngân hàng thương mại Việt Nam).
Cũng theo ông Đức, so với Nghị định 69/2007 trước đây, dự thảo cũng hạ điều kiện tham gia mua cổ phần với tỷ lệ lớn đối với nhà ĐTNN khi quy định chỉ cần tổng tài sản là 10 tỷ USD (trước đây là 20 tỷ) với trường hợp tổ chức tài chính NN đầu tư từ 10% cổ phần của TCTD trong nước trở lên; điều kiện Tổng tài sản 20 tỷ USD chỉ áp dụng cho trường hợp đầu tư chiến lược.
Ông Đức kỳ vọng Nghị định mới sẽ tạo tiền đề cho một xu hướng M&A mạnh mẽ hơn đối với các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2013-2015.
Thực tế, xu hướng M&A và mua cổ phần tỷ trọng lớn của nhà đầu tư nước ngoài gần đây mới chỉ xuất hiện chủ yếu ở các tổ chức kinh tế phi tài chính và một số tổ chức tín dụng hàng đầu (Vietcombank, Vietinbank).
Nếu nghị định mới được thông qua sẽ thúc đẩy xu thế M&A ở các tổ chức tài chính yếu kém là đối tượng cần xử lý chính của chương trình tái cơ cấu TCTD.
Đây là các trường hợp đầu tư rủi ro cao do phần lớn các TCTD này có tỷ lệ nợ xấu cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp...và việc tạo điều kiện cho NĐTNN có thể nắm trên 30% vốn điều lệ sẽ giúp cho họ có thể quản lý và điều hành trực tiếp, qua đó giảm bớt rủi ro và tăng tính hấp dẫn cho các khoản đầu tư vào các TCTD này.
Xét về bình diện vĩ mô, tổ chức tài chính nước ngoài khi góp tiền mua cổ phần của TCTD trong nước (đặc biệt là các TCTD yếu kém với tỷ lệ nợ xấu cao đang gây bất ổn cho hệ thống tài chính) sẽ giúp các TCTD trong nước này có thể tăng vốn điều lệ để đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, xử lý nợ xấu…giúp bình ổn hệ thống tài chính và góp phần thúc đẩy nền kinh tế hồi phục trong những năm tới – ông Đức nói.
(Nguồn:CafeF)