Tăng trưởng được thúc đẩy chủ yếu nhờ sự phục hồi về xuất khẩu của Đông Á khi tình hình kinh tế khả quan hơn ở hai đối tác thương mại chủ chốt hàng đầu là Mỹ và EU.
Những đám mây đen “lơ lửng” trên nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây được sẽ dần tan trong năm 2014 với triển vọng cải thiện gia tăng của các nền kinh tế Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ được thúc đẩy chủ yếu nhờ sự phục hồi về xuất khẩu của Đông Á khi tình hình kinh tế khả quan hơn ở hai đối tác thương mại chủ chốt hàng đầu là Mỹ và EU.
Đó là dự báo được nhà kinh tế trưởng Rajv Biswas, phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty tư vấn HIS (có trụ sở tại Douglas County, Colorado, Mỹ, hoạt động trên 5 lĩnh vực chính bao gồm năng lượng, vòng đời sản phẩm, môi trường, an ninh, điện tử và truyền thông) đưa ra trong nghiên cứu “Tương lai châu Á" mới công bố.
Tuy nhiên, theo tác giả, triển vọng các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang bị “che mờ” bởi những rủi ro chính trị tiếp tục tạo ra sự không chắc chắn tại một số quốc gia, trong đó đáng chú ý là các cuộc tổng tuyển cử hết sức quan trọng sẽ diễn ra trong năm nay tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan.
Tại Mỹ, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo sẽ cải thiện từ mức 1,8% năm 2013 lên 2,5% năm 2014 nhờ tiêu dùng tư nhân, xây dựng nhà ở và đầu tư gia tăng. Ngành công nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá khí đốt tự nhiên trong nước ở mức thấp nhờ sự bùng nổ khai thác khí đá phiến sét - nhân tố cũng giúp giảm giá điện và làm cho sản xuất của nước này cạnh tranh hơn.
Tăng trưởng GDP Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng sẽ tăng, từ mức 0,4% năm 2013 lên 0,8% năm 2014, trong đó dẫn đầu là sự phục hồi ở nền kinh tế Đức lớn nhất EU. Sự phục hồi kinh tế EU còn được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế Anh, với mức tăng trưởng dự kiến sẽ tăng, từ 1,4% năm 2013 lên 2,6% năm 2014.
Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản được chờ đợi sẽ tiếp tục mở rộng, khi tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ cải thiện từ mức 7,8% năm 2013 lên 8,1% năm 2014 nhờ tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, và trong cùng kỳ kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng 1,8%.
Với sự cải thiện tăng trưởng của 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ mức 2,5% năm ngoái lên 3,3% năm nay. Xu hướng tích cực này sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thương mại thế giới, với mức tăng trưởng trong cùng kỳ sẽ tăng từ 2,1% lên 4,7%.
Với nhiều nền kinh tế công nghiệp châu Á tiếp tục có xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng GDP như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Thái Lan, triển vọng cải thiện xuất khẩu của Đông Á sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng.
Riêng Trung Quốc, triển vọng kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ được hỗ trợ bởi triển vọng cải thiện kinh tế của hai thị trường xuất khẩu quan trọng là Mỹ và EU.
Xuất khẩu đã luôn là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc trong hai thập niên qua, và xu hướng cải thiện trong thương mại thế giới sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2014, tạo hiệu ứng tác động dây chuyền tích cực trong toàn bộ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước này sản xuất hàng hóa xuất khẩu và các dịch vụ liên quan.
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2014 còn được hỗ trợ bởi đầu tư vào cơ sở hạ tầng tiếp tục được duy trì trên quy mô lớn cho phát triển đô thị và mạng lưới giao thông, trong đó bao gồm cả chương trình xây dựng các thành phố “thông minh.”
Hai xu hướng trọng điểm sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong trung hạn là sự gia tăng một cách bền vững và mạnh mẽ của chi tiêu tiêu dùng nhờ thu nhập khả dụng của hộ gia đình được cải thiện và việc tiếp tục đẩy nhanh chương trình đô thị hóa, theo đó số người dân nước này sống ở khu vực thành thị dự kiến sẽ đạt 300 triệu người vào năm 2030.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và với tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức trên 8% được dự báo cho cả năm 2014 và 2015, nước này sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng cho phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Xuất khẩu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) sang Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm tới trên 20% trong thập niên qua, và thương mại song phương ASEAN-Trung Quốc tiếp tục gia tăng khiến đôi bên ngày càng trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng và mạnh mẽ hơn của nhau.
Trong khi đó tác động chính sách kinh tế “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe cũng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới với dự báo tăng trưởng GDP ở mức 1,8% năm 2014, tạo ra hiệu ứng dây chuyền tích cực cho thương mại và dòng vốn đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hai trong ba mũi tên của Abenomics, cụ thể là kích thích tiền tệ và tài khóa, sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng cho sự tăng trưởng của Nhật Bản trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng định lượng để đạt mục tiêu lạm phát 2%, trong khi đồng yên Nhật Bản bị mất giá hơn 25% so với đồng USD kể từ cuối năm 2012 đã giúp nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu của ngành công nghiệp Nhật Bản.
Tuy vậy, việc tỷ lệ nợ chính phủ tính trên GDP rất cao buộc Chính phủ Nhật Bản phải tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8%, bắt đầu từ tháng 4 tới, sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng, trong khi tác động của tình trạng già hóa dân số cũng là một lực cản lớn đối với tốc độ tăng trưởng tiềm năng dài hạn của Nhật Bản.
Tác động kết hợp của tốc độ tăng trưởng tương đối chậm trong dài hạn của Nhật Bản với sự sụt giảm mạnh kỷ lục của đồng nội tệ so với đồng USD kể từ năm 2012 đã dẫn đến một biến đổi lớn trong cơ cấu kinh tế của nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong năm 2005, tổng GDP danh nghĩa hàng năm tính theo đồng USD của Trung Quốc chỉ bằng một nửa Nhật Bản. Song một thập niên sau đó, vào năm 2014, quan hệ này đã đảo chiều khi tổng GDP danh nghĩa hàng năm của Trung Quốc được dự báo sẽ cao gấp đôi Nhật Bản.
Khoảng cách phát triển nhanh chóng giữa GDP của Trung Quốc và Nhật Bản kể từ năm 2012 phần nào phản ánh sự mất giá mạnh của đồng yên Nhật so với đồng USD kể từ cuối năm 2012, trong khi tỷ giá hối đoái của Trung Quốc so với đồng USD lại tương đối ổn định.
Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ hai trong nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã trải qua giai đoạn suy thoái mạnh kể từ năm 2011 do ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát.
Triển vọng năm 2014 của quốc gia lớn nhất khu vực Nam Á này chỉ là một sự cải thiện dần về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn còn cao và đồng nội tệ rupee đã mất giá mạnh trong năm 2013 do thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.
Các nền kinh tế ASEAN đã cho thấy một hiệu suất tăng trưởng liên tục trong suốt hai năm qua nhờ tiêu thụ nội địa và đầu tư mạnh mẽ tại một số nước thành viên lớn nhất, bao gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Triển vọng năm 2014 của khu vực này là xuất khẩu đóng một vai trò lớn hơn như một động cơ tăng trưởng, trong khi nhu cầu trong nước được dự báo sẽ tăng với nhịp độ vừa phải.
Trong khi đó, một số các nền kinh tế ở tốp dưới của ASEAN cũng đang trên đà cải thiện tăng trưởng, trong đó kinh tế Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế tốt hơn sau nhiều năm gặp khó khăn về kinh tế vĩ mô, với áp lực lạm phát đã dịu đi đáng kể trong khi xuất khẩu gia tăng.
Tại Myanmar, tốc độ cải cách kinh tế nhanh chóng đang hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, dòng viện trợ đa phương và song phương gia tăng và ngành du lịch tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ về lượng du khách quốc tế.
Một xu hướng quan trọng trong khu vực ASEAN trong năm 2013 là sự gia tăng mạnh mẽ lượng khách du lịch Trung Quốc, trong đó riêng số du khách Trung Quốc đến Thái Lan đã tăng gấp đôi trong năm 2013.
Tóm lại, triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2014 là sự cải thiện về động lực tăng trưởng nhờ xu hướng cải thiện gia tăng tại các nền kinh tế Mỹ và EU. Tuy nhiên, các nhà đầu tư toàn cầu sẽ có sự phân biệt giữa các nền kinh tế châu Á riêng lẻ, thận trong hơn trong tiếp cận với những nước có sự bất ổn chính trị-xã hội gia tăng hay có những “lỗ hổng” kinh tế vĩ mô như thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.
Về lâu dài, châu Á-Thái Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của nền kinh tế thế giới trong hai thập niên theo, trong đó Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập niên tới và sự gia tăng sức mạnh của nhân tố tiêu dùng tại các nền kinh tế mới nổi trong khu vực./.