Kết quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn tăng thêm của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong quý 1 năm nay giảm đến một nửa so với cùng kỳ năm 2013, do vắng các dự án quy mô lớn.
Sản xuất của một doanh nghiệp nước ngoài tại TPHCM - Ảnh minh họa: Hùng Lê
Dòng vốn FDI tăng mạnh trở lại trong tháng 3-2014, đạt khoảng 1,79 tỉ đô la Mỹ, cao hơn kết quả của cả hai tháng đầu năm nay gộp lại, nhưng tính chung tổng nguồn vốn FDI trong quí đầu tiên của năm nay vẫn giảm đến khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình thu hút vốn FDI cho thấy tính từ đầu năm đến ngày 20-3 có 252 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 2,045 tỉ đô la Mỹ, giảm 6% về số dự án và giảm 38,6% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian này có 82 lượt dự án FDI đang hoạt động tiếp tục tăng vốn với số vốn bổ sung thêm đạt 1,29 tỉ đô la Mỹ.
Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung trong quý đầu tiên của năm nay đạt 3,334 tỉ đô la Mỹ, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Kết quả này có vẻ khá trái ngược so với tình hình và điều kiện thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay; bởi nhiều phân tích và dự báo cho thấy cơ hội thu hút FDI năm nay và năm tới sẽ thuận lợi hơn năm 2013 và những năm trước đó nhờ kinh tế vĩ mô trong nước ổn định hơn.
Ngoài ra, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng do kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn (Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong hai năm 2014-2015 tương ứng là 3% và 3,3%, cao hơn mức 2,2% trong năm 2013).
Khả năng năm nay Việt Nam sẽ thu hút vốn FDI cao hơn trong năm 2013 còn do yếu tố các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như hiệp định tự do thương mại với EU được kỳ vọng sẽ sớm được ký kết trong năm nay.
Có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chỉ mới đi được 1/4 quãng thời gian của năm nên chưa thể đúc kết được gì về kết quả thu hút đầu tư năm nay là giảm hoặc tăng. Hơn nữa, thu hút nguồn vốn FDI còn tùy thuộc vào những dự án có quy mô lớn sẽ rơi vào thời điểm nào trong năm.
Kết quả thu hút nguồn vốn FDI của quý 1 năm ngoái đạt cao phần lớn nhờ vào hai dự án đầu tư có vốn đăng ký 2 tỉ đô la Mỹ, gồm dự án xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp điện tử ở Thái Nguyên của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (2 tỉ đô la Mỹ) và dự án của Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỉ đô la Mỹ.
Trong ba tháng đầu năm nay cả nước không có dự án trị giá hàng tỉ đô la Mỹ nào được cấp phép.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung và môi trường đầu tư Việt Nam nói riêng sẽ ảnh hưởng tới lượng và chất của nguồn vốn FDI. Ông Thắng lưu ý việc thu hút FDI cũng phụ thuộc đến kết quả đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định TPP và khả năng thực tế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định này.
Ngoài ra, việc thu hút vốn FDI còn liên quan đến việc xem xét, chấp thuận về chủ trương đầu tư đối với một số dự án có quy mô lớn trong các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Giới phân tích cho rằng chỉ cần dự án tổ hợp lọc hóa dầu ở khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) có vốn đăng ký khoảng 27 tỉ đô la Mỹ được cấp phép thì vốn FDI năm nay cũng đã vượt qua cả năm 2013. Hiện dự án này đang được Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) lập dự án khả thi và sẽ trình lên Chính phủ và các bộ ngành xem xét trong tháng 5 này.
Quay trở lại kết quả thu hút nguồn vốn FDI trong quý đầu năm nay, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mặc dù thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị giảm mạnh nhưng vốn giải ngân của khu vực này vẫn đạt khá, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,85 tỉ đô la Mỹ.
Cũng theo báo cáo trên của Tổng cục Thống kê, trong quý I-2014, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất với số vốn đăng ký đạt 2,33 tỉ đô la Mỹ, chiếm 69,9% tổng vốn đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 288,3 triệu đô la Mỹ, chiếm 8,6%; các ngành còn lại đạt 713,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 21,5%
Trong quý này, TPHCM là địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất với 687,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 33,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Hải Dương 248,1 triệu đô la Mỹ, chiếm 12,1%; Bình Dương 223,5 triệu đô la Mỹ...
Xét theo đối tác đầu tư, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 534,2 triệu đô la Mỹ, chiếm 26,1% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hồng Kông với 264,5 triệu đô la Mỹ, chiếm 12,9%; quần đảo Virgin thuộc Anh 238,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 11,7%; Singapore 230,7 triệu đô la Mỹ, chiếm 11,3%...
|