WEF là nơi quy tụ hàng ngàn đại diện doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc trên thế giới, họ là những đối tác đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam nói chung và VinaCapital nói riêng.
Hình ảnh ông Don Lam tại diễn đàn (Nguồn: World Economic Forum)
Có mặt trong đoàn đại biểu Việt Nam tham dự WEF Đông Á lần này là nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có ông Don Lam - CEO của VinaCapital. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông để tìm hiểu thêm về hoạt động của ông khi tham dự sự kiện lần này.
1. VinaCapital có những cơ hội như thế nào khi tham gia WEF? Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia WEF, ông có thể cho biết VinaCapital đã thu được những lợi ích gì kể từ những ngày đầu tham gia tới nay?
WEF là diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Với chương trình Hội nghị thường niên tại Thụy Sĩ và các diễn đàn khu vực, WEF vừa có quy mô toàn cầu vừa đi rất sâu vào từng vấn đề phát triển kinh tế và xã hội của nhiều quốc gia. Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia WEF, chúng tôi đã có được những cơ hội lớn để kết nối với các nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới trong những vấn đề nổi cộm nhất của thế giới. WEF còn là nơi quy tụ hàng ngàn đại diện doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc trên thế giới, họ là những đối tác đầu tư rất tiềm năng của Việt Nam nói chung và VinaCapital nói riêng.
Thông qua các kỳ họp của WEF, VinaCapital và cá nhân tôi tổ chức rất nhiều các hoạt động quảng bá cho Việt Nam. Mỗi kỳ họp tại Davos, chúng tôi đều tổ chức sự kiện gặp gỡ “Vietnam Dinner”, mời lãnh đạo quốc gia của chúng ta đến nói chuyện với các nhà đầu tư quốc tế, quảng bá về đất nước Việt Nam ổn định, phát triển và kêu gọi nhà đầu tư đến với Việt Nam. Năm 2010, chúng tôi đã góp phần cùng Chính phủ Việt Nam vận động để tổ chức WEF Đông Á tại Việt Nam và thành công rực rỡ. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được tăng thêm và VinaCapital cũng được biết đến là nhà đầu tư uy tín, đầy kinh nghiệm và rất gắn bó với thị trường Việt Nam, được sự ủng hộ của Chính Phủ Việt Nam.
2. Hoạt động chủ yếu của ông khi tham dự sự kiện này?
Từ khi Global Agenda Counsil on South-East Asia được thành lập năm 2002, tôi đã tham gia rất nhiều kỳ họp của Ủy ban này và đã có nhiều cơ hội đóng góp những sáng kiến, kinh nghiệm của mình cho sự phát triển bền vững của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, vinh dự được bầu làm Phó Chủ tịch của Ủy ban. Tại WEF Mùa Xuân 1/2014 tại Davos, Thụy Sĩ, tôi đã tham gia một phiên thảo luận rất quan trọng với 7 bộ trưởng ASEAN và khoảng 20 doanh nghiệp hàng đầu khu vực để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC), dự kiến sẽ thành lập vào năm 2015.
Hoạt động quan trọng nhất của tôi tại WEF Đông Á năm 2014 là tham dự phiên thảo luận chuyên sâu liên quan đến việc thúc đẩy sự phát triển chiến lược về cơ sở hạ tầng tại khu vực ASEAN. Cùng với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực đầu tư hạ tầng năng lượng, giao thông vận tải và logistics từ ASEAN cũng như trên thế giới, chúng tôi sẽ tập trung thảo luận những ưu tiên hàng đầu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và chiến lược thực hiện những ưu tiên đó để giúp các quốc gia Đông Nam Á hợp tác chặt chẽ và gắn kết với nhau, cùng phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tôi sẽ tham dự phiên khai mạc, lắng nghe bài phát biểu quan trọng từ ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các lãnh đạo Philippines và Myanmar, tham gia buổi gặp gỡ của Thủ tướng với các đại diện doanh nghiệp tham dự WEF ....
3. Năm ngoái, tại Myanmar, ông đến WEF còn với tư cách là Phó Chủ tịch của Global Agenda Counsil on Asean. Năm nay AEC vẫn là chủ đề chính được thảo luận. Ông có thể cho biết dự án này đã đạt được những bước tiến như thế nào?
Cộng đồng kinh tế AEC là một kế hoạch rất lớn để kết nối 10 nền kinh tế quốc gia của ASEAN thành một nền kinh tế thống nhất có quy mô 600 triệu dân tại khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới hiện nay. Trước mắt đang có một số đề xuất, ví dụ như các hãng hàng không quốc gia của ASEAN sẽ có thêm logo ASEAN trên máy bay, tại các khu làm thủ tục xuất nhập cảnh ở sân bay sẽ có thêm lối đi riêng thuận tiện cho công dân ASEAN, và một kênh truyền hình phát sóng toàn khu vực với nội dung do các nước ASEAN cùng đóng góp, chia sẻ...
Chúng tôi muốn bắt đầu từ những sáng kiến nhỏ để giúp người dân các quốc gia Đông Nam Á đến gần nhau hơn, dần dần có ý thức rằng họ thuộc về một cộng đồng chung, dưới một tinh thần chung mà chúng tôi gọi là “ASEAN identity”.
Sau khi xây dựng được “ASEAN identity”, chúng tôi sẽ hướng đến “ASEAN connectivity”, tức là những kế hoạch giúp liên kết các nền kinh tế Đông Nam Á thành một nền kinh tế thống nhất, có môi trường đầu tư xuyên suốt. Ví dụ như kết nối đường bay giữa các hãng hàng không và học hỏi kinh nghiệm từ quá trình xây dựng visa chung của Liên Minh Châu Âu để người dân có thể dễ dàng đi lại, đầu tư, làm ăn kinh tế giữa các nước ASEAN. Chúng tôi cũng có những ý tưởng để ASEAN có một môi trường đầu tư thực sự thuận tiện, trong đó lợi thế của từng quốc gia (country excellence) được phát huy tối đa và hỗ trợ lẫn nhau, ví dụ Singapore mạnh về nghiên cứu và đào tạo, Thái Lan nổi bật về sản xuất và dịch vụ vv.
Đối với Việt Nam, AEC được thành lập sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về thương mại, cơ sở hạ tầng … (cũng giống như khi EU kết nối thành một khối). Tuy nhiên, mốc 2015 sắp đến, điều mà tôi lo ngại là liệu các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị tốt cho sự kiện này hay chưa. Các doanh nghiệp lớn có thể đã chuẩn bị tốt, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ e rằng vẫn chưa chuẩn bị tốt. Nếu không tận dụng được cơ hội, chúng ta có thể bị các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia… vượt qua.
4. Thời gian gần đây TTCK Việt Nam biến động mạnh, ông có nhận định gì về thị trường?
Từ góc độ nhà đầu tư, tôi cho rằng thị trường chứng khoán phản ứng với những căng thẳng gần đây trên biển Đông là việc bình thường, thị trường của bất cứ nước nào cũng có những điều chỉnh tương tự trước những thông tin không tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư lớn thường có tầm nhìn xa hơn rất nhiều, họ vẫn tin vào nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn và đang tận dụng cơ hội để đẩy mạnh mua nhiều cổ phiếu hiện đang có mức giá đã điều chỉnh, nâng cao tỉ lệ sở hữu ở các công ty tốt và chờ đợi một chu kỳ tăng trưởng mới. Các chuyên gia kinh tế VinaCapital dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút từ 500 – 600 triệu USD vốn nước ngoài trở lên trong năm 2014.
Các nhà đầu tư nước ngoài xem trọng nhất là sự ổn định bên trong một quốc gia. Việt Nam vẫn đang làm rất tốt việc này thông qua nhiều chính sách ổn định xã hội, giữ vững nền kinh tế và củng cố niềm tin của người dân, của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Về dài hạn, thị trường Việt Nam vẫn là một trong những thị trường mới nổi hấp dẫn, ngay cả đối với những nhà đầu tư khó tính nhất.