Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Trung Quốc đầu tư dệt may: Nếu làm ven biển phải... tỉnh
Ngày: 6/11/2014 11:28:22 AM
Nếu làm khu công nghiệp ven biển phải tính đến việc chủ dự án là ai vì còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng

 Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài lưu ý khi đề cập đến các dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may của các nhà đầu tư Trung Quốc vào khu vực huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) với mục đích xây dựng KCN dệt may lớn nhất cả nước.

Đồng thời, ông Nguyễn Văn Toàn cũng lý giải về hiện tượng một loạt các dự án dệt may, nhuộm từ Trung Quốc hoặc liên doanh với Trung Quốc được cấp phép và đang làm thủ tục xin cấp phép.

Cần bộ lọc ngăn “bụi bặm”

PV: - Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt may, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc. Ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Văn Toàn: - Khi Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đã sớm nhìn ra cơ hội và thách thức với chính họ nếu Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hiệp định này.

Hiện nay, Việt Nam là thị trường rất lớn về hàng dệt may của Trung Quốc đặc biệt về nguyên liệu cho may mặc như sợi, vải và phụ kiện Việt Nam phải nhập khẩu từ Trung Quốc để gia công thành sản phẩm may mặc xuất khẩu sang các nước như Mỹ, EU, Nhật Bản… trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất, thứ 2 là EU.

Hiện xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam đang chịu mức thuế khoảng hơn 17,5%, EU là 9,6%, nhưng nếu Việt Nam tham gia TPP thuế xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam sang Mỹ sẽ là 0% nhưng kèm theo điều kiện khắt khe về xuất xứ.

Sản phẩm dệt may Việt Nam sẽ phải tính xuất xứ từ sợi, nhuộm hấp, dệt và may thành sản phẩm cuối cùng, những nguyên liệu phụ liệu của hàng dệt may nếu không được sản xuất tại Việt Nam cũng phải nhập khẩu từ nước thứ 3 là thành viên TPP như Mỹ, Nhật Bản, Úc… mới được hưởng thuế xuất TPP. Đây là thách thức với cả các doanh nghiệp Trung Quốc đang xuất khẩu sang Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tâm An
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tâm An

Trung Quốc không phải là thành viên TPP khi Việt Nam tham gia TPP, Trung Quốc mất đi cơ hội xuất khẩu nguyên liệu dệt may, vải, sợi sang Việt Nam để làm hàng xuất khẩu sang thị trường TPP trong đó đặc biệt là Mỹ như hiện nay Trung Quốc đang làm.

Đó không chỉ là thách thức với dệt may Việt Nam mà cả các doanh nghiệp Trung Quốc và cơ hội đến với các doanh nghiệp Trung Quốc cũng rất lớn khi họ đầu tư các nhà máy dệt, nhuộm sản xuất phụ liệu hàng may mặc tại Việt Nam.

Điều đó lý giải hiện tượng đã nói trên khi hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc, Hong Kong đến Việt Nam để tìm cơ hội đầu tư.

Khi tham gia TPP ngoài cơ hội, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng gặp những thách thức rất lớn.

Cơ hội là khi thuế xuất giảm về 0% hàng dệt may xuất xứ từ Việt Nam sẽ rất cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường tại Mỹ và các nước tham gia TPP nhưng thách thức là làm sao để các sản phẩm đó có xuất xứ Việt Nam.

Bài toàn đặt ra là nếu Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc thì không được hưởng điều kiện xuất xứ còn nếu tìm các nước tham gia TPP để nhập, ví dụ nhập vải, sợi từ Mỹ để đảm bảo điều kiện xuất xứ thì giá lại rất cao và giá thành sản phẩm sẽ đội lên, không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác.

Thách thức và cơ hội trên thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành dệt may Việt Nam, đứng trước những lựa chọn:

Thức nhất, các doanh nghiệp Việt Nam liên kết với nhau để có đủ tiềm năng về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu phụ liệu dệt may tại Việt Nam. Đây là cách tốt nhất để tái cơ cấu ngành dệt may, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhần lực, đổi mới công nghệ, tạo giá trị gia tăng và tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất cũng cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, khi chưa đủ năng lực tài chính, công nghệ… có thể liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để thành lập công ty liên doanh, công ty cổ phần.

Thứ ba, các nhà đầu tư nước ngoài thafp laoaj các xí nghiệp 100% vốn nước ngoài để xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu dệt may tại Việt Nam có chuyên gia đánh giá trong trường hợp này nhà đầu tư nước ngoài sẽ hưởng lợi hết, tuy nhiêu điều này không hoàn toàn đúng,

Vì nếu Việt Nam không làm được mà đi nhập từ nước thứ 3 không trong TPP để hưởng phần gia công thì vẫn là như cũ, thậm chí chưa chắc đã hơn trước đây nhập từ Trung Quốc và việc tham gia TPP với dệt may là không có nghĩa.

Lợi thế đó từ nhập khẩu từ nước thứ 3 tham gia TPP chứ không phải Trung Quốc và lúc đó Trung Quốc cũng bị thiệt do mất đi thị trường hàng hóa không phải chỉ thị trường Việt Nam mà là thị trường sang Mỹ thông qua Việt Nam. Vì vậy các nhà đầu tư TQ nhạy cảm và nhìn vấn đề đó.

Hiện tại, cả 3 phương thức trên đều song song tồn tại. Nếu để các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia phải chú ý để tránh tình trạng họ đưa vào công nghệ lạc hậu, cần khuyến khích công nghệ cao và tao sự lan tỏa, kích hoạt các doanh nghiệp trong nước phát triển.

Tôi đã từng về KCN Bảo Minh (Nam Định) thấy rằng tại đây làm dệt may thành công khi liên kết giữa cac nhà đầu tư Trung Quốc và Hong Kong và Tổng Công ty dệt may Việt Nam, có quá trình sản xuất khép kín, làm từ bông dệt thành sợi, có nhà máy nhuộm, từ đó dệt và đến cuối cùng là nhà máy may, may những thương phẩm có thương hiệu quốc tế để xuất khẩu

Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ quy hoạch một vùng cho dệt may để tránh việc xé nhỏ, manh mún và tốn kém cho chi phí logistic để bản thân việc cung ứng hàng hóa liên hệ với nhau dễ dàng, tạo sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh.

PV: - Liên quan đến dự án xây dựng KCN dệt may có quy mô gần 1.500 ha tại Nghĩa Hưng với tổng kinh phí xây dựng dự án khoảng 400 triệu USD Công ty Luenthai (Hong Kong, Trung Quốc) Công ty Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc) tại Nam Định. Các nhà đầu tư có đề nghị Nam Định cho phép xây dựng một nhà máy điện, một cầu cảng vận chuyển hàng hóa để phục vụ hoạt động của khu công nghiệp, ông bình luận như thế nào về đề nghị này từ phía đối tác?

Ông Nguyễn Văn Toàn: - Nhà đầu tư tư nhân hoặc liên doanh vào làm khu công nghiệp thì hoàn toàn có thể làm được nhưng vấn đề hiện nay là nếu làm khu công nghiệp ven biển phải tính đến việc chủ dự án là ai vì còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Tối ưu khi có một nhà đầu tư Việt Nam đứng ra xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và các nhà đầu tư dệt may trong và ngoài nước vào thuê đất xây dựng nhà máy theo quy hoạch.

Hiện nay, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất căng thẳng do Trung Quốc luôn có tư tưởng nước lớn, gần đây đã ngang nhiên đặt giàn khoan trái phép trên thềm lục địa Việt Nam làm cả dân tộc Việt Nam phẫn nộ và thế giới lên án. Nhưng Việt Nam không thể như một cái nhà có ông hàng xóm khó chịu mà chuyển nhà đi chỗ khác.

Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài bình đẳng đối với các nhà đầu tư của các quôc gia, nếu nhà đầu tư Trung Quốc chân chính, dự án của họ có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật chúng ta sẵn sàng hoan nghênh và tiếp nhận.

Theo Nghị quyết 103 của Chính phủ về định hướng thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới, chúng ta đề cao chất lượng và hiệu quả của đầu tư nước ngoài, thu hút có chọn lọc để tránh những hệ lụy xấu như gây ô nhiễm môi trường, đưa công nghệ lạc hậu vàoViệt Nam, sử dụng khai thác cạn kiệt tài nguyên…

Đã đến lúc Việt Nam càng mở rộng cánh cửa, càng cần bộ lọc tốt để “gió lành” vào mà “bụi bặm” không thể vào được.

Ưu đãi trong thái độ, khai vốn lớn - ưu đãi lớn

PV: - Khi các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư sản xuất tại Việt Nam phải chọn lọc công nghệ tốt nhưng từ trước đến nay việc kiểm soát công nghệ, máy móc thiết bị do nhà đầu tư nước ngoài đưa vào vẫn còn nhiều bất cập, vậy trong ngành dệt may liệu có rơi vào tình huống này?

Có tới 90% số doanh nghệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực dệt may đến từ Trung Quốc.
Có tới 90% số doanh nghệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực dệt may đến từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Toàn: - Ví dụ doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với một công ty nước ngoài nào đó mà họ đóng góp bằng máy móc thiết bị, Việt Nam đóng bằng quyền sử dụng đất. Họ đội giá thiết bị trong khi giá đất không thể đội lên được, mình sẽ thua thiệt.

Trách nhiệm thuộc về người đứng ra thương thảo hợp đồng, tình huống này xảy ra nhiều ở thời gian đầu khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm và thiếu kiến thức, thông tin khi liên doanh, hoặc người đứng ra thương thảo hợp đồng có động cơ cá nhân.

Hiện tượng chuyển giá để trốn thuế của một số công ty nước ngoài cũng cần kiểm soát và xử lý. Phương pháp chuyển giá rất tinh vi nhưng phổ biến là nâng giá nguyên liệu, bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài và giảm giá bán thành phẩm ra nước ngoài gây nên hiện tượng lãi thật lỗ giả để trốn thuế và chiếm hữu của đối tác liên doanh Việt Nam

Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, vốn đầu tư thực sự bao nhiêu cũng nên kiểm soát, nó ảnh hưởng gián tiếp lên lợi nhuận. Nếu sau này doanh nghiệp có lợi nhuận, họ phải đóng thuế, giả sử giá thiết bị, máy móc là 1 tỷ khai 5 tỷ, khấu hao khống thì lợi tức giảm tức là lãi thật nhưng lỗ giả.

Cũng không ngoại trừ trường hợp nhiều doanh nghiệp khai vốn đầu tư cao để được hưởng các ưu đãi.

PV: - Khi đầu tư vào Việt Nam, Trung Quốc sẽ được mang công nghệ, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi dành cho nguồn vốn FDI. Mặt khác với những dự án lớn như vậy, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp này. Xin ông phân tích cụ thể được và mất của Việt Nam khi đón nhận dòng đầu tư này?

Ông Nguyễn Văn Toàn: - Vấn đề công nghệ, nhân công, môi trường phải được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả những điều này đã có quy định nhưng vấn đề là thực thi chính sách như thế nào.

Vừa rồi trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chi thi phai chấn chỉnh và nâng cao đạo đức của các cán bộ công chức khi một đại biểu nói rằng chủ trương chính sách của Chính phủ là tốt nhưng khi thực hiện xuống dưới càng giảm đi mà nguyên nhân do một bộ phận cán bộ công chức còn thiếu đạo đức và trách nhiệm.

Hiện nay, năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu: thiếu vốn, yếu về công nghệ và năng lực quản lý yếu…Chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh trên sân nhà, miếng bánh phải chia cho họ và nếu doanh nghiệp Việt Nam không tốt thì họ sẽ được lợi hơn, được phần nhiều hon.

Chúng ta vừa phải cạnh tranh vừa hợp tác với họ để làm ra sản phẩm Made in Viet Nam có chất lượng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Các cơ quan quản lý chặt về môi trường, lao động nước ngoài, các hiện tượng chuyển giá, trốn thuế.

Việc quản lý các công nghệ và tiến tới làm chủ công nghệ và thêm lợi ích nữa cho chính phủ là thu được thuế nếu quản lý tốt, bản thân thương hiệu của Việt Nam cũng sẽ nổi tiếng hơn.

PV: - Khi các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực dệt may có nên đặt ra những tiêu chí với các lĩnh vực Việt Nam có rồi sẽ không khuyến khích, khuyến khích lĩnh vực Việt Nam chưa có để không tạo sự cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toàn: - Luật đầu tư tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Trong lĩnh vực thương mại có thể có các hàng rào kỹ thuật để đảm hộ sản phẩm sản xuất trong nước nhưng bảo hộ không nên duy trì quá lâu, bản thân các doanh nghiệp phải tự vươn lên.

Hội nhập tạo sức ép cho doanh nghiệp, sức ép lên hệ thống quản lý của nhà nước, sức ép lên toàn xã hội, và người tiêu dùng. Chúng ta cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có dệt may.

PV: - Có ý kiến cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn được nhận nhiều ưu tiên, ưu đãi hơn các nhà đầu tư trong nước, thực tế này diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toàn: - Về mặt chính sách, không có ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài hơn doanh nghiệp trong nước và ngược lại. Trước đây có Luật đầu tư /nước ngoài riêng ,hiện nay chỉ có luật đầu tư chung.

Tuy nhiên, có một thực tế là sự ưu đãi lại nằm trong thái độ của lãnh đạo địa phương. Lượng vốn lớn, đóng góp được nhiều cho ngân sách địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của các nhà đầu tư sẽ dễ được chào đón hơn và ưu đãi nhiều hơn.

Một số tỉnh vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội còn thấp cần có những ưu đãi đặc biệt để thu hút được những dự án quy mô lớn hơn cả FDI và dự án của nhà đầu tư trong nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Nguồn:Bao Dat Viet)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.