Bế tắc
Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu 814 tỷ đồng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đã đội lên 1.100 tỷ đồng, trong đó 777 tỷ đồng đã được giải ngân mua sắm máy móc, thiết bị.
Được khởi công từ cuối năm 2009, nhưng đến giữa năm 2013, dự án phải dừng lại vì thiếu vốn và chưa biết khi nào sẽ khởi động lại, dù đã có 97% thiết bị, máy móc được nhập về.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Nguyễn Đăng Tịnh, Giám đốc CTCP Xi măng Dầu khí 12/9 thừa nhận, trong suốt thời gian qua, Công ty vừa duy trì sản xuất trên dây chuyền xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc, vừa tập trung xây dựng Dự án nâng cấp mới. Tuy nhiên, do dây chuyền cũ đã quá lạc hậu, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn: chất lượng sản phẩm kém, máy móc, thiết bị xuống cấp, thường xuyên hư hỏng, vốn thiếu, công nhân phải nghỉ luân phiên… Nhà máy đã nợ lương công nhân từ tháng 2/2014, nợ bảo hiểm từ tháng 6/2013, dù mỗi tháng, công nhân chỉ làm 10 đến 15 ngày.
Cuối tháng 5/2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, chủ đầu tư dự án và đại diện các tổ chức tín dụng đã họp bàn để tìm giải pháp gỡ khó cho Dự án. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn đang bế tắc.
“Mong muốn của Công ty và công nhân lao động là PVC đầu tư thêm tiền để hoàn thiện Dự án, nhưng hiện tại, PVC cũng đang rất khó khăn, nên việc huy động thêm hơn 400 tỷ đồng để hoàn thiện xong Dự án là rất khó”, ông Tịnh nói.
Bất lực
Ông Bùi Tiến Thành, Phó tổng giám đốc PVC cho hay, PVC đã góp 23% cổ phần vào PVNC - doanh nghiệp nắm gần 97% cổ phần tại CTCP Xi măng Dầu khí 12/9. PVC đã nhiều lần gửi công văn kiến nghị PVN hỗ trợ, nhưng đều PVN không thể đáp ứng, vì PVN không được đầu tư ngoài ngành, trong đó có lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Tính từ thời điểm dự án dừng thi công đến nay đã hơn 1 năm, số máy móc, thiết bị được lắp đặt tại nhà máy không thể nói còn nguyên vẹn. Sự lãng phí trong đầu tư khi dự án dang dở là điều ai cũng nhìn thấy, song yếu tố tiên quyết để dự án được tiến hành tiếp là vốn, thì chủ đầu tư cũng đang bất lực.
Đó là chưa kể, hàng trăm tỷ đồng tiền lãi vay mua sắm thiết bị đang là gánh nặng tài chính lớn đè lên vai chủ đầu tư, khi Dự án Đầu tư xây dựng lâm vào tình cảnh dở dang như hiện tại. Điều đáng nói là, Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 814 tỷ đồng, nhưng vốn vay tín dụng lên tới 614 tỷ đồng, cộng với 200 tỷ đồng do các cổ đông liên quan góp. Riêng số lãi gộp hiện đã lên tới 300 tỷ đồng.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho Dự án, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu PVN chỉ đạo PVC kiểm tra lại số liệu về thiệt hại, nếu dừng Dự án Xi măng Dầu khí 12/9, đồng thời rà soát lại các khoản chi phí làm tăng tổng mức đầu tư và tính toán về hiệu quả của Dự án. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án cụ thể, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Tịnh cho rằng, đã có tổ chức tín dụng đồng ý cho vay để hoàn thiện Dự án với mức lãi suất 9%/năm. Nhưng, sau khi rà soát, tính toán lại, PVC cho rằng, nếu các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất 7%/năm, thì dự án triển khai mới có hiệu quả. “Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác mới, với kỳ vọng có được mạnh thường quân để hoàn thiện nốt các hạng mục dang dở để sớm đưa Dự án vào hoạt động”, ông Tịnh hy vọng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh năng lực sản xuất của ngành xi măng đang dư so với nhu cầu và các doanh nghiệp thế mạnh là Vicem, hay khối doanh nghiệp xi măng có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh còn đang rất vất vả để hoạt động hiệu quả…, thì việc tìm kiếm, huy động doanh nghiệp có tiềm lực tài chính dám đầu tư vào Dự án này là nhiệm vụ gần như bất khả thi với chủ đầu tư.