Nhật, Mỹ muốn đầu tư mạnh vào Việt Nam
Theo đó Việt Nam được coi là điểm hấp dẫn thứ hai trong khu vực để các doanh nghiệp Mỹ mở rộng kinh doanh, sau Indonesia.
Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam có thế mạnh trong mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, thị trường lao động dồi dào với chi phí thấp và môi trường vĩ mô ổn định.
Tờ Vnexpress thông tin, báo cáo chỉ rõ có 66% doanh nghiệp mong chờ lợi nhuận tăng trong năm 2014 và 82% chờ đợi tiếp tục tăng trong năm 2015. Hơn một nửa những doanh nghiệp trả lời khảo sát kỳ vọng sẽ mở rộng quy mô trong năm nay, trong khi chỉ có 5% cho biết sẽ giảm.
Cùng với đó, trên 80% số doanh nghiệp Mỹ cũng cho bết họ không còn phải đối mặt với những khó khăn tài chính hay những vấn đề về chi phí đi vay. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là vấn đề lớn nhất khi gần 70% số lãnh đạo được hỏi không hài lòng về vấn đề này. Trong 5 năm qua, những chi phí như lao động, thuê văn phòng, nhà ở đã giảm bớt nhưng sự hiệu quả của những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa làm hài lòng nhiều nhà đầu tư.
Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng đã đưa ra thông tin 30% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (Jetro) khảo sát có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh. Báo cáo hồi tháng 2/2014 của tổ chức này cho hay Việt Nam đã trở thành quốc gia ưu tiên nhất của Nhật, vượt qua "đối thủ lớn nhất trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư" là Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Lý giải về nguyên nhân này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam rất có hiệu quả. Tỷ lệ các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam có lãi tương đương với tại các nước trên thế giới từ 60-70%.
"Việt Nam vẫn được coi là địa điểm đầu tư với chi phí thấp, có sự ổn định về chính trị, xã hội, có quan hệ hữu nghị tốt đẹp, tiềm năng về thị trường tương đối lớn. Cơ cấu lao động của Việt Nam Nhật Bản hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau vì Nhật Bản có cơ cấu lao động già. Bổ sung cho nhau về mặt công nghệ khi Nhật Bản cần sự chuyển giao công nghệ ra nước ngoài ở những khâu Nhật Bản không cần nắm giữ vì Nhật đang tập trung vào những mắt xích cao hơn của chuỗi giá trị.
Sự dịch chuyển một số công nghệ của Nhật sang Việt Nam đặc biệt ở doanh nghiệp vừa và nhỏ là xu thế diễn ra mạnh mẽ trong khi các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản khâu nghiên cứu phát triển thị trường không vào theo thì các doanh nghiệp lớn chỉ là lắp ráp đơn thuần", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Sự hiện diện của Trung Quốc
Trong khi công bố, khảo sát từ các nước như Mỹ, Nhật cho thấy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư tuy nhiên một thực tế đang diễn ra là tại Việt Nam, sự hiện diện của nhà đầu tư Trung Quốc cũng chiếm tỷ lệ lớn trên nhiều lĩnh vực kinh tế.
Đơn cử như lĩnh vực dệt may, kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt may, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc.
Tại 1 số địa phương như Nam Định, Công ty Luenthai (Hong Kong, Trung Quốc) Công ty Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc) dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng KCN dệt may có quy mô gần 1.500 ha tại Nghĩa Hưng với tổng kinh phí xây dựng dự án khoảng 400 triệu USD.
Trước đó, vào tháng 3/2014, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh. Dự án có công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm.
Tại Long An, công ty Huafa Hong Kong cho biết sẽ đầu tư dự án nhà máy kéo sợi màu tại Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng, thuộc xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An với diện tích 20,38ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.856 tỷ đồng.
Lĩnh vực bất động sản, thời gian vừa qua cũng chứng kiến làn sóng các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc gia nhập vào thị trường Việt Nam trong đó nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu tiến hành mua bán sáp nhập các dự án dang dở của các doanh nghiệp trong nước.
Con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm nay đã có 10% trong tổng số 5,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tương đương 570 triệu USD được giải ngân đã đổ vào lĩnh vực bất động sản.
Trong đó Trung Quốc vẫn nằm trong top những quốc gia đầu tư nhiều vào lĩnh vực này, dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong lĩnh vực bất động sản, gấp 7 lần so với 2012.