Đặt làm trang chủ    Thêm vào danh sách yêu thích
Ghi nhớ

Metro Việt Nam và câu hỏi bức bách về cải cách thể chế TIN NỔI BẬT
Ngày: 9/10/2014 3:46:22 PM
Metro Việt Nam và câu hỏi bức bách về cải cách thể chế

Một cửa hàng trong chuỗi siêu thị Metro đã được chuyển nhượng cho BJC Thái Lan. Ảnh TL/SGT

 Tháng trước, tập đoàn thương mại khổng lồ Metro (Đức) đã hoàn tất thủ tục bán cho tập đoàn Thái Berli Jucker với giá 655 triệu euro chuỗi siêu thị tại Việt Nam, gồm 19 cửa hàng, với 3.600 nhân viên, tập trung tại 15 tỉnh thành phố, chủ yếu Hà Nội, TPHCM, cùng danh mục đầu tư bất động sản có liên quan. Thương vụ này đem đến cho Metro khoản lợi nhuận đặc biệt trong tài khoá 2014/2015 khoảng 400 triệu euro lãi trước thuế.

Tin giới chức Đức

Theo Tổng giám đốc Metro, Olaf Koch và Ngân hàng thương mại hợp nhất trung ương Đức DZ Bank, thương vụ này sẽ tăng tiềm lực cho Metro tập trung đầu tư vào thị trường các quốc gia lợi thế hơn, tương tự như ở Đông Âu Metro cũng đã tách khỏi tập đoàn con Real. Hiện Metro có mặt tại Ấn Độ, Trung Quốc, và muốn tập trung phát triển tại đó. Chỉ riêng ở Trung Quốc, tập đoàn này đã có trên 64 chuỗi siêu thị với 10.000 nhân viên.

Trong chín tháng đầu của năm tài khoá 2013/2014, Metro với các công ty con Real, Kaufhof và Media-Saturn đã đạt 47,9 tỉ euro từ thị trường ngoài Đức, xấp xỉ 60% tổng doanh thu. Trước thương vụ chuyển nhượng trên, các nhà đầu tư phản ứng khả quan, giá cổ phiếu Metro tăng 1% lên 25,38 euro.

Theo giới tài chính, Metro không chủ động, mà tập đoàn Berli Jucker đã theo đuổi thương vụ này suốt một năm qua, kể từ khi có thông tin Metro tìm đối tác sang nhượng quyền sở hữu tại Việt Nam. Hiện vụ chuyển nhượng đang chờ sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền chuyên về cạnh tranh Đức Wettbewerbsbehörden.

Phản ứng từ phía Việt Nam

Báo chí Việt Nam nhân thương vụ này đặt vấn đề vì sao Metro lỗ suốt. Có báo viết: “Lúc này người ta mới vỡ ra rằng đại gia FDI này chưa từng đóng thuế! Với vốn đầu tư 78 triệu USD năm 2002, sau 12 năm kinh doanh, doanh thu tăng đều từ 21 triệu euro lên 516 triệu euro năm 2012, nhưng chỉ đóng thuế thu nhập đúng một năm, năm 2010, với khoản lãi 116 tỉ đồng. Thậm chí thuế chuyển nhượng kia cũng không lấy được một đồng, vì họ thương thảo có ở Việt Nam đâu”.

Còn Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải giải trình Metro báo lỗ 12 năm: “Người ta hoàn toàn dựa vào pháp luật, đúng quy định. Tới 90% hàng hóa bán trong Metro là hàng của Việt Nam. Metro đã tạo ra việc làm cho hơn 5.000 lao động. Từ lúc thành lập tới nay, họ đã nộp 921 tỉ đồng các loại thuế khác. Đó là những đóng góp rất tốt của Metro. Còn việc hiện nay họ lập rất nhiều điểm mới, trung tâm mới gây cho họ lỗ, chúng tôi đã kiểm tra. Thực sự họ có lỗ hay không thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, phải vào cuộc để kiểm tra”.

Sửa luật hay chế tài cơ quan thực thi?

Cùng một Metro khổng lồ, thời gian kéo dài 12 năm, nghĩa là không phải hiện tượng nhất thời, nhỏ bé, nhưng kết quả hoạt động ở Việt Nam lại hoàn toàn khác ở Đức, chỉ có thể cắt nghĩa nguyên nhân bằng cách so sánh các yếu tố tạo nên hai thể chế kinh tế tác động tới nó, từ chính sách đến văn bản lập pháp, lập quy, bộ máy nhà nước, hành chính, nghiệp vụ kế toán thuế.

Ở Đức liên quan tới thuế có đủ mọi văn bản lập pháp điều chỉnh từ thuế giá trị gia tăng, trước bạ, thu nhập doanh nghiệp, lương, cho đến quy trình thu và đóng thuế. Các luật trên sinh ra không phải chỉ dành cho doanh nghiệp mà để chế tài cơ quan nhà nước, buộc phải hành xử và tuân thủ chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự nó định ra, để đạt mục đích nó nhắm tới. Nghĩa là nếu doanh nghiệp đã “dựa vào luật, đúng quy định”, nhưng đích không đạt được, thì chỉ có thể truy 1 trong 2 nguyên nhân kèm cách giải quyết:

- Hoặc khẳng định cơ quan thực thi hành xử đúng, thì cơ quan lập pháp phải chịu trách nhiệm sửa luật nếu không sẽ bị thất cử;

-Hoặc khẳng định luật đúng thì cơ quan thực thi phải bị chế tài.

Trong khi đó, Metro ở ta, thuế thu nhập không thu được có đồng thời cả hai nguyên nhân trên, cả về bộ máy “các cơ quan quản lý đã bỏ qua và chấp nhận tình trạng này”, cả về luật pháp được mặc định đúng, “chỗ dựa” của Metro; nhưng trách nhiệm và biện pháp cần có của cả cơ quan lập pháp, lẫn hành pháp và bộ máy hành chính đã không hề được nhắc đến. Đặc biệt thuế và doanh nghiệp là đối tượng điều chỉnh của luật nhưng đã không được xử sự đúng bản chất của nó vốn có ở bất kỳ thể chế nào.

7 yếu tố thể chế cần xem xét

1- Bản chất doanh nghiệp sinh ra nhằm mục đích lợi nhuận (trừ loại công ích). Việc Metro bán tới 90% hàng Việt Nam và thuê tới 5.000 lao động không phải là mục đích mà là phương tiện để nó đạt lợi nhuận. Với một thị trường đầy đủ, một Metro không nghĩa lý gì, “có mợ thì chợ cũng đông, không mợ thì chợ vẫn đồng mọi khi”, thị trường sẽ tự cân bằng bù vào chỗ trống. Vì vậy không thể dùng các con số trên để biện minh cho thiệt hại không thu được thuế thu nhập. Chưa nói, nếu thừa nhận nguyên lý Marx, lao động tạo ra giá trị thặng dư bị chủ doanh nghiệp chiếm hữu thì nhà nước phải có chức năng phân phối lại thông qua thuế, không làm được đồng nghĩa không tròn chức năng. 

2- Càng không thể biện minh cho thiệt hại do doanh nghiệp không đóng thuế thu nhập bằng lý do lợi được 921 tỉ đồng các loại tiền thuế khác bù vào. Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu từ người tiêu dùng, không phải của doanh nghiệp, nếu không đóng phải bị truy tố tội chiếm đoạt. Các thuế trước bạ, đất đai… thực chất là chi phí quản lý hành chính nhà nước cho mục đích đó nên nằm trong chi phí doanh nghiệp, không liên quan gì tới thuế thu nhập.

3- Thuế thu nhập quyết định tài lực nhà nước, ở hầu hết các nước hiện đại, thuế thu nhập chiếm tới 1/3 số thu ngân sách; luật phải đưa ra được các quy phạm chế tài cơ quan hành chính nhà nước về trách nhiệm bảo đảm thu thuế thu nhập, không được phép biện minh bất kể lý do gì. Chính vì thế, doanh nghiệp ở Đức chỉ cần lỗ 3 năm liên tục đã phải đối mặt với nguy cơ bị đóng cửa, bởi lỗ không chỉ thiệt mình mà hại đất nước. Còn nước ta, cũng tập đoàn của họ, nhưng lỗ tới 11 năm, gấp gần 4 lần ở họ, thật nghịch lý vẫn “đúng luật”, cơ quan nhà nước đã “kiểm tra”, không bị hề hấn gì?

4- Luật gì, thể chế nào thì tính thuế cũng do chế độ kế toán và nghiệp vụ, tức công nghệ, quyết định. Metro thực hiện chế độ kế toán theo “ghi chép ban đầu”, tức hạch toán lỗ lãi theo “phương pháp cân đối” – tạm hiểu là lấy tổng hoá đơn đầu ra trừ đi đầu vào (tức trên giấy tờ) kèm khấu hao tài sản; khác với tiểu thương lấy thực thu trừ thực chi (bằng tiền mặt). Vậy không thể nói Metro đầu tư nhiều nên lỗ, bởi tài sản đầu tư được chia khấu hao hàng năm, chỉ được coi là ngoại lệ khi xảy ra một vài năm. Và khoản lãi đặc biệt 400 triệu euro bán doanh nghiệp trên đất Việt Nam phải tuân thủ luật thuế thu nhập Việt Nam không thể nói “họ thương thảo có ở Việt Nam đâu”.

Vì vậy, kết quả Metro lỗ 11 năm đúng luật buộc phải ngờ vực (chưa khẳng định) không chỉ luật pháp, bộ máy nhà nước, mà cả chế độ và nghiệp vụ kế toán ở ta, tức công nghệ thực thi, có vấn đề.

Trong thời đại toàn cầu hoá, cải cách không khó bởi mọi công nghệ đều có thể nhập khẩu được, trừ ngoại lệ; vấn đề chỉ còn ở chỗ: nhà nước muốn hay không? Không thấy đề cập.

5- Từ lỗi chế độ và nghiệp vụ kế toán có vấn đề, tất kéo theo cả nghiệp vụ kiểm tra thuế. Ở Đức kiểm tra thuế do luật thuế AO điều chỉnh. Tần suất kiểm tra thường kỳ được quyết định bởi quy mô doanh nghiệp. Tần suất thấp nhất là các doanh nghiệp có doanh số dưới 145.000 euro/năm hoặc lãi dưới 30.000 euro/năm được gọi là doanh nghiệp nhỏ nhất, bình quân 53 năm kiểm tra 1 lần. Tần suất nhặt nhất là doanh nghiệp lớn, doanh số trên 6,25 triệu euro/năm, lãi trên 244.000 euro/năm như Metro, kiểm tra không sót doanh nghiệp nào và thường 3 năm/lần, đồng thời kiểm tra kỹ tới từng hoá đơn, hợp đồng. Bởi trốn thuế được tính phần trăm trên doanh thu. Những hợp đồng như bán máy bay tầu thủy lên tới hàng trăm triệu, thậm chí tỉ euro, chỉ cần thất thu thuế 1% doanh thu, đã lên tới hàng chục triệu euro.

Ngoài kiểm tra thường kỳ, bất kể doanh nghiệp lớn nhỏ nào đều có thể bị kiểm tra xác suất hoặc đột xuất nếu cơ quan chức năng phát hiện được dấu hiệu bất thường. Còn ở ta Metro sau 12 năm nay mới “thực sự họ có lỗ hay không thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải vào cuộc để kiểm tra”. Vậy thiếu luật hay có luật mà thiếu chuẩn mực? hay có chuẩn mực mà thiếu chế tài? hay có chế tài nhưng công chức được miễn trừ? và tại sao kiểm tra thuế cứ phải cấp bộ, khi nó là cơ quan hành pháp chủ yếu đề xuất chính sách chứ không phải cấp hành chính cơ sở xử lý tình huống?

6 – Kiểm tra thuế không mang nghĩa lục lại từng bút toán, hoá đơn, chứng từ, hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, kế toán lại lần 2 rồi đối chiếu so sánh với kết quả doanh nghiệp báo cáo, mà là một công nghệ phát hiện chỗ sai. Thuộc công nghệ đó, ở Đức hàng năm Cơ quan thuế vụ Liên bang phải thống kê tổng hợp các chỉ số kinh doanh năm trước được gọi là định mức cơ bản ARS, gồm: “thặng số” (lãi, chênh lệch giữa trị giá bán ra và mua vào, tính phần trăm trên trị giá hàng mua vào; “lãi gộp” (lãi, chênh lệch giữa trị giá bán ra và mua vào, tính phần trăm trên doanh thu bán ra); “lãi đã trừ lương” (được tính bằng lãi gộp trừ đi tiền lương, tính phần trăm trên doanh thu); “lãi đã trừ lương và chi phí chung” (được tính bằng lãi đã trừ lương trừ đi chi phí chung, tính phần trăm trên doanh thu; “lãi ròng” (lãi gộp trừ đi tất tật mọi chi phí, tính phần trăm trên doanh thu, cũng chính là thu nhập của chủ doanh nghiệp).

Ví dụ, năm ngoái, nhà hàng châu Á ở Đức có thặng số 257-400%, lãi gộp 72-80%, lãi gộp trừ lương và chi phí chung 47-63%, lãi ròng 20-35%.  Những doanh nghiệp nào có chỉ số ARS lệch xa ra khỏi định mức cơ bản đó sẽ bị ngờ vực bất thường. Nếu thu thập được chứng cứ khẳng định đúng ngờ vực, mà đương sự không thể lý giải đúng luật, họ có quyền hủy toàn bộ khai báo thuế của doanh nghiệp, tự ấn định mức thuế bằng cách áp dụng tỉ suất lãi lấy từ ARS tương thích. Vậy Metro lỗ 11/12 năm liệu có phải bất thường? Và trách nhiệm thuế vụ giải thích bất thường đó như thế nào? Nếu không liệu có bị chế tài?

Thuộc công nghệ phát hiện chỗ sai, thuế vụ Đức được cung cấp phần mềm IDEA (Interactive Data Extraction and Analysis) cài đặt sẵn vào laptop. Khi kiểm tra, thuế vụ chỉ cần nhập toàn bộ dữ liệu khai báo thuế để nó xử lý. Đây là chương trình phân tích dữ liệu, được Canada đưa ra thị trường từ cách đây hơn thập kỷ, năm 2002, được Đức trang bị cho hơn  4.000 cơ quan thuế vụ chuyên kiểm tra thuế doanh nghiệp, thuế doanh thu, thuế lương và cả trong điều tra hình sự tội trốn thuế.

Tập đoàn khổng lồ Metro có thể ví như con voi mà còn thoát thuế thu nhập liên tục 11/12 năm thì khó hình dung nền kinh tế nước ta tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp đều nhỏ hơn sẽ như thế nào? Vậy sự kiện Metro đã đủ gây sốc cho mọi giới chức, để buộc họ phải cùng đồng lòng khởi động cho một cuộc lột xác thể chế kinh tế ở nước ta hiệu quả như mô hình nơi đã sinh ra Metro? Hay còn phải đợi nền kinh tế như thế nào nữa và tới bao giờ?

 

(Nguồn:TheSaigonTimes)
   Tin tức khác
Trang Chủ | Tin Tức | Tìm Kiếm | So Sánh| Thỏa Thuận Sử Dụng | Tra cứu mã số thuế cá nhân | Liên hệ | User

CÔNG TY TƯ VẤN QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG
Trụ sở chính: 62L/36 Nguyên Hồng, Phường 11, Quận Bình Thạnh, TP.HCM
Văn phòng: Số 48 Đường số 11, Khu phố 6, Phường Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức, TP.HCM
®Ghi rõ nguồn : http://viipip.com  khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
Giấp phép ICP số 60/GP-TTĐT do Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấp ngày 05/04/2010.