Phú Quốc: Không đủ đất cho các dự án lớn
Ngày: 4/25/2009 11:40:00 AM
Quyết định 178/CP của Chính phủ về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 - tầm nhìn 2020 nêu rõ phát triển Phú Quốc thành một trung tâm du lịch quốc gia chất lượng cao, thu hút từ 2 đến 3 triệu du khách/năm. Tuy nhiên, cơ sở kỹ thuật quá yếu kém của Phú Quốc đang là rào cản đối với các nhà đầu tư muốn vào "đảo Ngọc" này.
Ông Trần Quốc Khanh - GĐ Trung tâm xúc tiến Thương mại và Du lịch Phú Quốc cho biết, ngoài hơn 20 dự án (DA) được cấp phép đầu tư vào Phú Quốc, trị giá trên khoảng 3 tỷ USD được triển khai trên 1.000 ha dọc theo bờ biển thuộc 2 khu vực Đông, Tây của huyện đảo, Phú Quốc còn có khoảng 154 DA được tỉnh chấp thuận cho chủ trương đầu tư, với tổng diện tích 5.647 ha, tổng vốn đăng ký gần 890 triệu USD.
Mới đây, DA "Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Starbay" diện tích 520 ha, với nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, sân golf vừa được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận điều chỉnh vốn từ 1,6 tỷ USD lên 1,8 tỷ USD...
Đường xa chân mỏi
Tuy nhiên, theo ông Khanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn quá yếu của Phú Quốc đang gây khó cho nhà đầu tư và khách du lịch.
Đơn cử như điện ở Phú Quốc đang chạy bằng máy diesel, do giá dầu cao quá nên chỉ vùng trung tâm mới có điện, nhưng hiện 3 ngày cúp một ngày (trước đây thì 2 ngày cúp 1 ngày), các khách sạn phải chạy máy phát điện.
Từ TP HCM đến Phú Quốc có 2 cách là đi máy bay, hoặc đi xe và tàu thủy. Tuy nhiên, do Phú Quốc chỉ có sân bay nhỏ cho máy bay 64 chỗ ngồi (khoảng 600.000 đồng/vé), dù tuyến này hiện bay 8 chuyến/ngày, nhưng mua vé phải đặt trước.
Còn đi bằng xe và tàu thủy thì mất khoảng 8 đến 10 tiếng cho quãng đường bộ 250 km từ TP HCM đến Rạch Giá, sau đó vượt 120 km đường biển bằng tàu thủy mới ra được Phú Quốc, cũng tốn nhiều thời gian và sức lực.
Dự án nằm chờ
Trong khi đó, hai dự án hạ tầng lớn quan trọng nhất là sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế chưa thể khởi công do chưa có mặt bằng, các dự án giao thông thì "chậm như rùa" vì vướng giải tỏa đền bù, thời "mua đất ầm ầm đón thời cơ" nay đã đóng băng.
Nguyên nhân các DA đầu tư vào Phú Quốc chưa triển khai không hẳn do thiếu vốn, mà chủ yếu do nhà đầu tư đang dò xem động thái của Chính phủ, vì các dự án cơ sở hạ tầng đòi hỏi Chính phủ phải đầu tư.
Một nguyên nhân quan trọng nữa là các dự án lớn không đủ đất, không giải tỏa được mặt bằng do đất đã bị chia năm sẻ bảy vì tầm nhìn hạn hẹp và tư lợi của cán bộ địa phương.
Một chủ đầu tư dẫn chứng: DA sân bay quốc tế chưa khởi công vì khoảng 70 hộ dân không giải tỏa được, chưa chấp nhận giá đền bù. Các dự án khác như đường Cửa Cạn - Dương Đông dài 13 km, rồi dự án khu tái định cư rộng 40 ha... cũng trong tình trạng tương tự.
(Nguồn:Diễn Đàn Doanh Nghiệp)