Theo ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai triển khai thực hiện dự án nghiêm túc, đúng tiến độ, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt. Khu vực đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế trênđịa bàn tăng cao và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.
Không chạy theo số lượng, quy mô dự án, Đồng Nai chú trọng chất lượng dự án, nhằm thực hiện đúng định hướng phát triển bền vững. Ảnh: Lê Toàn
Đầu tư nước ngoài sẽ có chuyển biến về chất
Trải qua hơn 25 năm, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai đã khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, số dự án đầu tư nước ngoài cùng với số vốn đăng ký không ngừng tăng lên qua các năm.
Chia sẻ về quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những năm qua, Đồng Nai chú trọng phát triển kinh tế, nhưng gắn với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, tỉnh đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Đối với công nghiệp, Đồng Nai đã thực hiện chọn lọc dự án theo hướng ưu tiên phát triển dự án các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có giá trị gia tăng cao, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện môi trường, hạn chế dần các dự án thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp.
Đặc biệt, nhằm bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, tỉnh đã tạm dừng hoặc hạn chế cấp giấy phép đầu tư một số loại dự án có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, đối với các khu công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải, hoặc có trạm xử lý nước thải đang hoạt động, nhưng không đảm bảo công suất, thì vẫn không được thu hút đầu tư.
Về quy hoạch phát triển các khu công nghiệp cũng được đổi mới theo hướng phát triển đô thị - công nghiệp. Bên cạnh các khu công nghiệp đã hình thành, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới được bổ sung vào quy hoạch, tỉnh đã quy hoạch bố trí khu dân cư dịch vụ phục vụ tại các vị trí kế cận khu công nghiệp, cụm công nghiệp để giải quyết tốt hơn đời sống công nhân và góp phần phát triển đô thị hóa phục vụ phát triển công nghiệp.
Trước dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm chung của nền kinh tế thế giới cộng với những hạn chế nội tại của nền kinh tế, để duy trì mức tăng trưởng cao và đẩy mạnh thu hút đầu tư, bên cạnh sự quan tâm trong việc cải cách hành chính, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng, các dịch vụ phục vụ công nhân và nhà đầu tư…, Đồng Nai đã tập trung các giải pháp tháo gỡ hỗ trợ doanh nghiệp. Thông qua hoạt động của Ban Hành động hỗ trợ doanh nghiệp và các sở ngành địa phương, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động đầu tư để thúc đẩy nhà đầu tư giải ngân, tăng cường đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, nhằm xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Thu hút đầu tư: Hướng đến dự án công nghệ cao
Từ thực tiễn và những bài học kinh nghiệm phát triển trong những năm qua, hoạt động đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 định hướng 2020 được xây dựng với mục tiêu cụ thể: phát huy tối đa các nguồn lực và lợi thế của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng, trong nước và hội nhập quốc tế, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài tăng trưởng ổn định, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư từ các nước công nghiệp phát triển, các dự án quy mô lớn ít ô nhiễm môi trường, các dự án công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án dịch vụ, các dự án đầu tư vào các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn của tỉnh, nhằm tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Nhìn chung, Đồng Nai đã và đang xây dựng hình ảnh một vùng đất lành, đầu tư an toàn và hiệu quả. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với sự phối hợp kịp thời trong chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh, Đồng Nai đang phát triển theo hướng bền vững và luôn là trong các điểm hẹn lý tưởng của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Đồng Nai quyết tâm sàng lọc dự án FDI
Để tăng cường chất lượng công tác thu hút đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm và phù hợp chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai giai đọan 2014-2015, tầm nhìn 2020, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định 2163/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn.
Theo đó, Quyết định ban hành danh mục dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư đối với lĩnh vực công nghiệp gồm ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh các dự án thuộc ngành nghề: sử dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Quyết định 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện với môi trường; đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, ưu tiên thu hút các ngành nghề: sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm; dự án chế biến nông sản thực phẩm...
Quyết định ban hành danh mục dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư có điều kiện gồm các dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư có điều kiện vào khu công nghiệp; dự án chế biến gỗ, dăm ván gỗ công nghiệp; dự án sản xuất giày, may mặc; dự án có phát sinh chất thải lớn; dự án kinh doanh về mặt hàng gas; dự án kinh doanh hoạt động vũ trường.
Quyết định ban hành danh mục dự án thuộc ngành nghề tạm dừng thu hút vốn đầu tư gồm các dự án: sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản; nhà máy thuộc da, sơ chế da, sơ chế và nhuộm da lông thú. Các ngành nghề này tạm thời không giải quyết đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, đối với các ngành nghề sản xuất công nghiệp khác không nằm trong danh mục các dự án tạm dừng thu hút đầu tư thì được xem xét giải quyết đầu tư vào khu vực công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy định hiện hành đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành nghề của khu (cụm) công nghiệp và phù hợp với ngành nghề trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của khu (cụm) công nghiệp.
Lý giải về quyết định trên, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, đã đến lúc, tỉnh không thu hút FDI bằng mọi giá, mà chú trọng chất lượng dự án, nhằm thực hiện đúng định hướng phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện Khu công nghiệp công nghệ cao tại Long Thành, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học tại huyện Cẩm Mỹ, Khu liên hợp công nông nghiệp tại huyện Xuân Lộc và huyện Thống Nhất…