Kinh tế tăng trưởng, xuất nhập khẩu tăng mạnh đang tạo cơ hội cho dịch vụ logistics ở Việt Nam phát triển. Nhiều doanh nghiệp Đức đã và đang nhắm đến "miếng bánh” béo bở này.
Lĩnh vực logistics đang hấp dẫn các doanh nghiệp lớn của Đức như MBS Logistics, Hapag - Lloyd, DB Schenker, hay Karl Gross (Ảnh: Lê Toàn)
Tuần trước, DHL - nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới của Đức đã công bố mở đường bay mới trong khu vực châu Á, nhằm kết nối chuyển phát nhanh giữa Bangkok (Thái Lan), Hà Nội và Hồng Kông.
Chuyến bay đầu tiên đã được thực hiện vào ngày 3/11, với tần suất 5 lần/tuần. Đường bay này sử dụng máy bay chuyên dụng Boeing B737-400SF vừa được cải biến có trọng tải 21 tấn, do Hãng K-Mile Thái Lan, một đối tác của DHL khai thác.
“Đường bay mới giúp thời gian vận chuyển hàng hoá từ các thành phố lớn trong mạng lưới bay của DHL đến và đi từ Hà Nội, rút ngắn xuống còn một ngày. Bước tiến mới này cũng giúp DHL giảm bớt tình trạng ùn tắc của Trạm trung chuyển khu vực tại Hồng Kông”, ông George Berczely, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL - VNPT chia sẻ.
Không tiết lộ con số cụ thể của vụ đầu tư này, song ông George Berczely cho biết, đó là khoản đầu tư lớn, có giá trị nhiều triệu USD. “Đường bay mới trong khu vực châu Á sẽ tăng cường khả năng của chúng tôi trong việc cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhiều khách hàng tại miền Bắc Việt Nam”, ông George Berczely khẳng định và cho biết, việc đầu tư này sẽ giúp DHL duy trì vị thế dẫn đầu trong thị trường chuyển phát nhanh quốc tế tại Việt Nam.
Sau khi mở đường bay mới ít ngày, DHL cũng đã tăng tần suất bay kết nối giữa Penang (Malaysia), TP.HCM và Hồng Kông từ 5 lên 6 chuyến/tuần, nhờ đó tăng 20% khả năng xử lý hàng trên tuyến đường bay này.
Trước đó, vào tháng 9/2014, DHL cũng đã công bố một khoản đầu tư lớn nhất vào Việt Nam từ trước đến nay, với tổng giá trị lên đến 10 triệu USD. Đó là việc khai trương Văn phòng và Trung tâm Khai thác phía Nam, rộng 2.500 m2 tại TP.HCM.
DHL chính thức có mặt tại Việt Nam từ năm 1988 và đã liên tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua. Chỉ trong vòng một năm trở lại đây, DHL đã đầu tư 12 triệu USD, chiếm hơn 30% trong tổng vốn đầu tư 37 triệu USD của Tập đoàn ở Việt Nam. Điều này cho thấy mối quan tâm đặc biệt của DHL đối với thị trường Việt Nam.
Kinh tế tăng trưởng, cộng thêm xu hướng ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn chọn chuyển dịch sang Việt Nam để đặt các cơ sở sản xuất mới đã khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa đẩy lên cao. Đó chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics.
“Trước đây, Việt Nam thường chỉ xuất khẩu nông sản thô, thì nay xuất khẩu số lượng lớn hàng điện tử, điện thoại di động, dệt may... Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn trong quản lý chuỗi cung ứng nhằm giảm thời gian lưu kho, họ cần giao và nhận hàng nhanh hơn. Đó là cơ hội cho chúng tôi”, ông George Berczely nói và cũng đã nhắc đến việc một số nhà đầu tư lớn, như Samsung, Microsoft, LG... đã gia tăng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm điện tử.
Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện thoại và linh kiện các loại của Việt Nam đạt gần 19,5 tỷ USD. Con số này của ngành dệt may là 17,43 tỷ USD, còn của máy vi tính và sản phẩm điện tử, linh kiện là 8,86 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng đầu năm là 245,3 tỷ USD. Và đây chính là thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp logistics cả trong và ngoài nước.
Ngoài DHL, các doanh nghiệp logistics khác của Đức cũng không ngừng tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh của mình tại Việt Nam.
Trung tuần tháng 7/2014, MBS Logistics, một tập đoàn logistics nổi tiếng của Đức đã chính thức khai trương chi nhánh tại Việt Nam. Đây là một sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong tham vọng hoàn thiện chuỗi cung ứng và mạng lưới logistics trên toàn thế giới của của tập đoàn có thâm niên 27 năm này.
Cùng với DHL, MBS Logistics, còn có thể kể đến Hapag - Lloyd, DB Schenker, hay Karl Gross, những doanh nghiệp Đức nổi tiếng trong lĩnh vực logistics tại thị trường Việt Nam.
Karl Gross có văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2008 và năm ngoái, đã chính thức thành lập công ty con tại TP.HCM để mở rộng hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, năm 2013, DB Schenker đã khai trương văn phòng chi nhánh mới của mình tại Hà Nội có vị trí lớn hơn và đẹp hơn. Sau khi có văn phòng mới tại Hà Nội, DB Schenker cũng đã khánh thành một văn phòng mới tại TP.HCM, nhằm mở rộng mạng lưới hoạt động của mình. Đầu năm trước, công ty này đã đầu tư đội xe tải mới để mở rộng mạng lưới phân phối tới các địa phương ở Việt Nam.
Chính thức cung cấp dịch vụ logistics tại Việt Nam từ năm 1991, DB Schenker cũng đã không ngừng đầu tư vào thị trường được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển này. Việc đầu tư đội xe mới giúp DB Schenker đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh linh hoạt hơn.
“Chúng tôi tới thăm khách hàng của mình và họ đều nói, đang chuẩn bị mở rộng đầu tư, kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu cũng đang tăng cao và đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics như chúng tôi”, ông George Berczely khẳng định.