Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 3 tỉ đô la Mỹ do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đầu tư đã được cấp phép trong tháng 11, sau một dự án trị giá hơn 1 tỉ đô la Mỹ cũng tại đây. “Hầu như toàn bộ nguồn lực đã đổ dồn cho dự án của Samsung”, Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Long phân trần khi bị các doanh nghiệp địa phương phàn nàn về sự chểnh mảng của chính quyền đối với các khó khăn của họ.
Một góc khu tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh -Ảnh: Lê Hoàng.
Ông Long có lý do. “Với sự đóng góp của Khu tổ hợp SEVT, trong tương lai không xa, tỉnh Thái Nguyên có thể trở thành một thành phố công nghiệp được vinh danh trên bản đồ các thành phố công nghệ hàng đầu thế giới”, một văn bản của UBND tỉnh này khẳng định.
Samsung, với dự án trên, nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên tới khoảng 12 tỉ đô la Mỹ. Hai nhà máy đã vận hành ở Thái Nguyên và Bắc Ninh giúp Samsung sản xuất 200 triệu điện thoại thông minh mỗi năm, chiếm một nửa sản lượng của hãng trên thế giới.
Trước Thái Nguyên, một số tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, hay xa hơn chút nữa là Hải Phòng, Quảng Ninh đã tìm mọi cách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Lý do cơ bản nhất là thu ngân sách tăng vọt. Chẳng hạn, Vĩnh Phúc ở thời điểm tách từ tỉnh Vĩnh Phú khoảng 15 năm trước chỉ thu ngân sách được 100 tỉ đồng. Nay, chỉ một huyện Mê Linh, nơi đặt nhà máy của Honda, đã thu ngân sách tới 16.000 tỉ đồng trong năm ngoái.
Các doanh nghiệp FDI giờ đã trở nên lấn át hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong khi doanh nghiệp nội địa vẫn đang lụn bại, hoặc không thể gắn kết được với họ. |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), trong 11 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam hơn 17 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự ưu ái các doanh nghiệp FDI nhiều khi quá đà. Như nhà bán lẻ Metro, nay đã bán cho BJC của Thái Lan, được cấp phép đầu tư từ năm 1995, và đã kịp phát triển tới 19 siêu thị trên toàn quốc. Đây là điều đáng ngạc nhiên khi Việt Nam chỉ cam kết mở cửa thị trường bán lẻ - vốn cực kỳ nhạy cảm với bất kỳ nền kinh tế nào - sau khi vào WTO năm 2007. “Việc xem xét cấp phép từ cơ sở thứ hai, thứ ba trở đi phụ thuộc vào ý kiến chủ quan chứ không có quy định, cho nên mới có số lượng nhiều như vậy”, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng phải phân trần.
Song, về toàn cục của quốc gia, câu chuyện thu hút FDI không đẹp như mơ.
Một mặt, các doanh nghiệp FDI giờ đã trở nên lấn át hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, trong khi doanh nghiệp nội địa vẫn đang hết sức khó khăn, hoặc không thể gắn kết được với họ. Chỉ vỏn vẹn vài ba doanh nghiệp trong nước có thể bán bao bì cho Samsung, trong khi tập đoàn này phải nhập khẩu trị giá hơn 20 tỉ đô la mỗi năm cho sản xuất. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển dẫn số liệu thống kê cho thấy khu vực FDI chiếm gần 68% tổng giá trị xuất khẩu, và hơn 70% giá trị sản xuất công nghiệp quốc gia để bày tỏ sự lo lắng: “Điều này cho thấy doanh nghiệp trong nước đang ngày càng yếu đi. Tôi vô cùng lo lắng khi các doanh nghiệp dân tộc ngày càng khó khăn”.
Mặt khác, sự phân cấp cấp phép vốn FDI cho chính quyền địa phương từ năm 2006 đang cho thấy hàng loạt vấn đề. Ông Nguyễn Mại nhìn dự án lọc dầu trị giá 27 tỉ đô la ở Bình Định với cái nhìn lo lắng thay vì vui mừng. Với dự án này, tổng công suất của các dự án lọc dầu đã cấp phép lên tới là 42 triệu tấn dầu. Trong khi mỗi năm Việt Nam khai thác 15 triệu tấn dầu thôi, công suất này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều dầu thô được nhập khẩu về Việt Nam để chế biến. Ông Mại kể, ông phản đối gay gắt dự án trên với chính quyền Bình Định vì ba lẽ. Thứ nhất, Việt Nam không cần biến thành trung tâm lọc dầu của thế giới vì lọc dầu rất ô nhiễm môi trường. Thứ hai, phải hiểu là vì sao người Thái sẵn sàng bỏ ra 27 tỉ đô la để đầu tư ở đây, thay vì Thái Lan. Thứ ba, lọc dầu để xuất khẩu thì đất nước này thu được lợi gì khi nhập dầu thô không phải chịu thuế, trong khi chỉ thu được thuế thu nhập doanh nghiệp, và thu nhập cá nhân. “Họ hỏi tôi ý kiến, tôi rất phản đối, nhưng họ thấy con số 27 tỉ đô nên sướng quá”. Lọc dầu chỉ là một ví dụ nhỏ, bên cạnh hàng loạt dự án thép vừa tiêu tốn năng lượng, vừa ô nhiễm môi trường.
“Sự lựa chọn của chúng ta là quá kém, là hệ lụy của chính sách phân cấp cho địa phương từ năm 2006”, ông Mại nói. Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực FDI chỉ chiếm giá trị gia tăng vỏn vẹn 18% trong suốt hơn 10 năm nay, dù tỷ trọng xuất khẩu tăng 20% mỗi năm. “Điều đó là gì? Là số liệu sai hay là đóng góp thực của khu vực FDI quá thấp?